Thận ứ nước là tình trạng tắc nghẽn đường dẫn niệu, khiến nước tiểu tích tụ trong thận và làm thận giãn to. Bệnh có thể xảy ra đột ngột hoặc mạn tính, ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên thận. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và nguyên nhân gây thận ứ nước là rất quan trọng để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng và bảo vệ sức khỏe thận. Hãy cùng tìm hiểu bệnh lý nguy hiểm này ở ngay bài viết bên dưới đây nhé!
Thận ứ nước là bệnh gì?
Thận ứ nước là tình trạng tắc nghẽn của đường dẫn niệu, làm tích tụ nước tiểu trong các đài bể thận khiến thận giãn to. Thận ứ nước có thể xảy ra đột ngột hoặc mạn tính ở một phần hoặc toàn bộ đường dẫn niệu một bên hoặc cả 2 bên thận.
Ngoài ra, thận ứ nước cũng chia nhiều mức độ khác nhau. Thận ứ nước không điều trị có thể gây giảm chức năng thận. Nếu người bệnh được điều trị kịp thời sẽ giảm được nguy cơ biến chứng lâu dài. (1)
Nguyên nhân thận ứ nước
Nguyên nhân gây thận ứ nước phổ biến nhất do tắc nghẽn ở một vị trí trong đường dẫn niệu. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:
Tắc nghẽn đường tiểu trên (thận và niệu quản)
- Sỏi tiết niệu thận: sỏi trong thận hoặc sỏi niệu quản do sỏi thận di chuyển xuống đường tiết niệu gây tắc nghẽn ở một vị trí nào đó ở niệu quản.
- Hẹp niệu quản: bẩm sinh hay mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường xảy ra ở chỗ nối thận – niệu quản hoặc niệu quản – bàng quang. Các nguyên nhân mắc phải bao gồm: sỏi niệu quản, viêm hẹp niệu quản sau nhiễm khuẩn hoặc sau phẫu thuật, khối u trong niệu quản,…
- Khối u: u lành tính hoặc ác tính chèn ép hoặc xâm lấn đường dẫn niệu như ung thư bàng quang, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, tử cung hoặc cơ quan vùng chậu.
Tắc nghẽn đường tiểu dưới (cổ bàng quang và niệu đạo)
- Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH): Sự phì đại của tuyến tiền liệt có thể gây áp lực trong bàng quang và dẫn đến ứ nước ngược dòng lên thận.
- Hẹp niệu đạo và cổ bàng quang.
Các nguyên nhân khác
- Mang thai: ở phụ nữ đang mang thai tử cung to dần, có thể chèn ép lên niệu quản. Ngoài ra, thay đổi nội tiết trong thai kỳ có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn do các cơ trơn niệu quản giảm nhu động, các nhu động này giúp di chuyển nước tiểu xuống niệu quản. Tình trạng này, được gọi là thận ứ nước thai kỳ và sẽ tự khỏi sau khi sinh.
- Sa sàn chậu: Sa tử cung hoặc sa bàng quang là tình trạng tử cung và bàng quang chùng xuống hoặc trượt ra khỏi vị trí bình thường. Người bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến thận ứ nước.
- Bàng quang thần kinh: tổn thương thần kinh, cơ bàng quang do sử dụng thuốc (kháng cholinergic), dị tật bẩm sinh, tai biến mạch máu não hoặc chấn thương tủy sống
Bệnh thận ứ nước có bao nhiêu cấp độ?
Bệnh thận ứ nước phân làm 5 cấp độ như sau:
- Thận ứ nước độ 0: thận không giãn nở, thành đài thận sát nhau.
- Thận ứ nước độ 1: giãn nở đài thận, không teo nhu mô.
- Thận ứ nước độ 2: giãn nở khung chậu nhẹ và đài thận. Không theo nhu mô.
- Thận ứ nước độ 3: bể thận và đài thận giãn nở. Làm cùn các vòm, phẳng các nhú và có mỏng vỏ não nhẹ.
- Thận ứ nước độ 4: xương chậu và đài thận giãn nở, mất ranh giới và teo thận.
Dấu hiệu thận bị ứ nước
Các dấu hiệu thận ứ nước sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí và thời gian tắc nghẽn.
Trường hợp dòng nước tiểu tắc nghẽn nhanh và làm giãn cấp tính đường dẫn niệu (bàng quang, niệu quản hoặc thận) thường gây đau cấp tính vùng hông lưng (đau quặn thận) hoặc vùng trên xương mu (đau tức bàng quang). Đau quặn thận là cơn đau dữ dội vùng hông lưng, cơn đau có thể lan xuống bụng dưới đến tinh hoàn hoặc vùng âm đạo, có thể buồn nôn và nôn.
Trường hợp dòng nước tiểu tắc nghẽn tiến triển chậm có thể không có triệu chứng hoặc đau lưng âm ỉ (phần lưng giữa đầu dưới của xương sườn và cột sống).
Tắc nghẽn đường tiểu trên: thường xảy ra ở 1 bên thận, đau lưng có thể kèm các triệu chứng đường tiêu hóa mơ hồ, chẳng hạn như buồn nôn, nôn và đau bụng. Những triệu chứng này thường gặp ở trẻ em khi thận ứ nước do dị tật bẩm sinh như hẹp chỗ nối niệu quản – bể thận, niệu quản – bàng quang. Tắc nghẽn cả 2 bên thận là tình trạng cấp cứu do chức năng thận suy giảm nghiêm trọng.
Tắc nghẽn đường tiểu dưới: tình trạng tắc nghẽn niệu đạo hoặc cổ bàng quang có thể gây tích tụ nhiều nước tiểu trong bàng quang dẫn đến cơn đau thắt vùng trên xương mu do bí tiểu hoặc tiểu rỉ không tự chủ.
Thận ứ nước có nguy hiểm không?
Thận ứ nước khá nguy hiểm, một số trường hợp thận ứ nước nặng hoặc tắc nghẽn ở cả 2 bên có thể làm tổn thương thận nghiêm trọng và dẫn đến suy thận. Thận ứ nước do tắc nghẽn là tình trạng khẩn cấp cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh nguy cơ suy thận. Hầu hết trường hợp tắc nghẽn thường chỉ xảy ra 1 bên thận, mức độ nhẹ đến trung bình nên người bệnh thường không nhận ra bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh suy thận giai đoạn cuối cần điều trị bằng lọc máu hoặc ghép thận.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh đến gặp bác sĩ ngay nếu thận ứ nước có các dấu hiệu sau:
- Thận ứ nước 2 bên.
- Tiểu khó hay bí tiểu.
- Đau đột ngột hoặc dữ dội ở bên hông hoặc lưng.
- Thay đổi trong việc đi tiểu, như đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, đau khi đi tiểu hoặc có máu trong nước tiểu.
- Sốt từ 38 độ trở lên.
Chẩn đoán thận ứ nước
Một số phương pháp chẩn đoán thận ứ nước, bao gồm:
- Khám tổng quát: bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng của người bệnh đang gặp phải. Đồng thời, bác sĩ kiểm tra khu vực gần thận và bàng quang xem có đau hoặc sưng không. Ngoài ra, bác sĩ có thể hỏi bệnh sử của người bệnh và gia đình.
- Với nam giới, bác sĩ cần khám trực tràng để xác định tuyến tiền liệt có phì đại không.
- Với phụ nữ, bác sĩ sẽ khám phụ khoa để đánh giá vấn đề ở tử cung hoặc buồng trứng.
- Chẩn đoán hình ảnh: giúp đánh giá mức độ thận ứ nước (siêu âm, CT hoặc MRI. Ngoài ra, CĐHA cũng giúp xác định nguyên nhân và vị trí tắc nghẽn đường dẫn niệu.
- Xét nghiệm nước tiểu: bác sĩ sẽ thu thập mẫu nước tiểu của người bệnh và phân tích mẫu máu, vi khuẩn.
- Xét nghiệm máu: đánh giá tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể người bệnh, xét nghiệm chức năng thận (creatinin, độ lọc cầu thận eGFR và nitơ urê máu BUN).
- Nội soi bàng quang và niệu quản: Bác sĩ đưa ống nội soi vào đường dẫn niệu (niệu đạo, bàng quang, niệu quản hoặc thận) để xác định vị trí tắc nghẽn. Đôi khi, bác sĩ có thể sử dụng ống nội soi loại bỏ các vật gây tắc nghẽn.
Phương pháp điều trị thận ứ nước
Việc điều trị thận ứ nước do tắc nghẽn bao gồm 2 mục tiêu: loại bỏ nguyên nhân gây tắc nghẽn và tái lập lưu thông đường dẫn niệu
- Loại bỏ nguyên nhân tắc nghẽn: tùy theo nguyên nhân
- Tái lập lưu thông đường dẫn tiểu bao gồm:
- Cắt nối đường dẫn niệu sau khi đã loại bỏ nguyên nhân gây tắc nghẽn.
- Đặt ống thông JJ niệu quản hoặc dẫn lưu thận qua da với tắc nghẽn đường tiểu trên.
- Đặt thông niệu đạo hoặc dẫn lưu bàng quang trên xương mu với tắc nghẽn đường tiểu dưới.
Phòng ngừa thận ứ nước
Việc phòng ngừa thận ứ nước phụ thuộc vào việc tránh hoặc điều trị kịp thời nguyên nhân gây bệnh. Một số tình trạng có thể dẫn tới nguy cơ mắc thận ứ nước gồm:
- Sỏi thận.
- Người bệnh ung thư ở đường tiết niệu, vùng chậu, ung thư di căn.
- Đã từng phẫu thuật đường tiết niệu.
- Có cục máu đông trong đường tiết niệu.
- Phì đại tuyến tiền liệt.
- Phụ nữ mang thai.
Câu hỏi liên quan
Thận bị ứ nước có nên uống nhiều nước không?
Người bệnh thận ứ nước không nên uống nhiều nước và cần hỏi bác sĩ thêm về vấn đề ăn uống, sinh hoạt hàng ngày để đảm bảo sức khỏe bản thân.
Thận ứ nước có chữa được không?
Được, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách. Cơ thể, đặc biệt thận sẽ không gây ra bất kỳ tổn thương lâu dài nào.
Thận ứ nước có làm tăng huyết áp không?
Không, thận ứ nước không làm tăng huyết áp. Người bệnh có thể hỏi thêm bác sĩ điều trị để được giải đáp chi tiết tình trạng sức khỏe bản thân.
Tóm lại, thận ứ nước là một tình trạng nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe thận hiệu quả hơn. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải các dấu hiệu của thận ứ nước, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức. Đừng quên theo dõi Người Việt tại Luang Prabang để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nữa nhé!