Sỏi thận không chỉ là bệnh lý phổ biến ở người lớn mà trẻ em, thậm chí là trẻ sơ sinh cũng có thể mắc phải. Bệnh sỏi thận ở trẻ em thường xảy ra do một số bệnh nền hoặc không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, phần lớn trẻ bị sỏi thận đều có thể hồi phục nhanh chóng mà không gây biến chứng lâu dài. Tìm hiểu ngay nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị sỏi thận ở trẻ em để bảo vệ sức khỏe cho con yêu của bạn!
Trẻ em có bị sỏi thận không?
Sỏi thận thường xảy ra ở người lớn nhưng trẻ em, thậm chí là trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh này. Theo ghi nhận, bệnh sỏi thận ở trẻ em thường xảy ra khi trẻ mắc một số bệnh nền làm tăng nguy cơ hình thành sỏi hoặc trẻ bị sỏi thận không rõ nguyên nhân. Phần lớn trẻ bị sỏi thận đều có thể sớm hồi phục và không gây biến chứng lâu dài.
Nguyên nhân trẻ bị sỏi thận
Bệnh sỏi thận ở trẻ em khá hiếm gặp, tỷ lệ gặp khoảng 1/1.000 – 1/7.000 trẻ. Theo các chuyên gia, sỏi thận được hình thành chủ yếu dựa vào hai yếu tố: môi trường và di truyền.
Trong đó, yếu tố môi trường (gồm chế độ dinh dưỡng và lối sống) là nguyên nhân khiến số lượng trẻ bị sỏi thận tăng nhanh trong những năm gần đây. Ngoài ra, một số bệnh lý liên quan đến thận cũng là nguyên nhân gây sỏi thận ở trẻ.
Những yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị sỏi thận
Trẻ sẽ có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn nếu trẻ có các yếu tố sau:
- Có tiền sử bị sỏi thận: Trẻ đã từng bị sỏi thận rất dễ mắc bệnh lại, do đó, mặc dù sau khi đã được điều trị sỏi thận hoàn toàn, trẻ vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa sởi bệnh.
- Không cung cấp đủ nước cho cơ thể: Lượng nước được trẻ cung cấp vào cơ thể mỗi ngày có liên quan trực tiếp đến lượng nước tiểu. Nếu trẻ uống nhiều nước, lượng nước tiểu được cơ thể tạo ra nhiều, nồng độ các chất tạo sỏi trong nước tiểu thấp, nguy cơ bị sỏi thận giảm. Ngược lại, trẻ uống ít nước, nước tiểu ít, nồng độ các chất tạo sỏi trong nước tiểu cao, nguy cơ bị sỏi thận tăng.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý (chế độ ăn Ketogenic): Chế độ ăn Ketogenic thường được dùng để điều trị động kinh. Đây là chế độ ăn chỉ chứa một lượng rất nhỏ carbohydrate.
- Trẻ bị xơ nang: Theo chia sẻ của các chuyên gia, trẻ bị xơ nang sẽ có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn.
- Đường tiết niệu bất thường: Trong một số trường hợp trẻ bị dị tật bẩm sinh ở thận, niệu quản hoặc bàng quang có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận.
- Sử dụng một số loại thuốc làm tăng nguy hình thành sỏi gồm furosemide (Lasix), acetazolamide (Diamox), vitamin C liều cao…
- Rối loạn di truyền: Kết quả của một thử nghiệm đã cho thấy một số rối loạn di truyền hiếm gặp có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận ở trẻ.
Triệu chứng sỏi thận ở trẻ em
Trẻ bị sỏi thận thường sẽ có các triệu chứng sau:
- Đau bụng, lưng, hông hoặc háng;
- Tiểu lắt nhắt, đau khi đi tiểu;
- Xuất hiện máu trong nước tiểu, nước tiểu đục;
- Buồn nôn, nôn;
- Tiểu gấp;
- Sốt…
Một số trẻ mắc bệnh có thể sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bệnh nào, nhất là trẻ nhỏ. Đối với các trường hợp này, bệnh chỉ có thể phát hiện thông qua việc thăm khám sức khỏe vì một lý do khác có thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm.
Ngoài ra, khi bị sỏi thận, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng tương tự như triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu như: muốn đi tiểu nhiều hơn, đau bụng dưới, sốt nhẹ, cảm thấy bỏng rát khi đi tiểu…
Chẩn đoán sỏi thận ở trẻ nhỏ
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của sỏi thận, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và hướng đã điều trị đúng cách. Ban đầu, bác sĩ sẽ khám lâm sàng cho trẻ và yêu cầu thực hiện một số thủ thuật y khoa để kiểm tra nguyên nhân, tình trạng bệnh như:
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Siêu âm;
- Chụp cắt lớp vi tính (CT);
- Chụp X-quang…
Cách điều trị sỏi thận ở trẻ em
Phương pháp điều trị sỏi thận của trẻ sẽ dựa vào tình trạng, vị trí và kích thước của viên sỏi.
- Nếu sỏi có kích thước nhỏ (dưới 5mm), bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ chăm sóc trẻ tại nhà và kê cho trẻ một số loại thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen. Lúc này, trẻ nên uống nhiều nước hơn bình thường để tống sỏi ra bên ngoài theo đường nước tiểu. Trong khoảng thời gian này, mẹ cần lọc nước tiểu của trẻ cho đến khi viên sỏi được tống ra ngoài bằng cách đặt lưới lọc bên dưới bệ ngồi của bồn cầu. Sau khi viên sỏi đã được tống ra ngoài, trẻ nên được đưa đến bệnh viện để kiểm tra lại. Đồng thời, mẹ nên đưa viên sỏi được trẻ tống ra ngoài đến bệnh viện để được kiểm tra và tìm kiếm nguyên nhân hình thành sỏi, từ đó, có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
- Đối với các trường hợp sỏi gây tắc đường tiết niệu, ngăn cản dòng chảy của nước tiểu hoặc trẻ xuất hiện triệu chứng nôn, và những cơn đau nghiêm trọng, trẻ cần nhập viện và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh các tổn thương vĩnh viễn có thể xảy ra ở thận:
- Tán sỏi bằng sóng xung kích: Đây là phương pháp điều trị thường được dùng khi trẻ bị sỏi thận. Sau khi xác định vị trí chính xác của viên sỏi, bác sĩ sẽ dùng các thiết bị hướng một chùm sóng xung kích có năng lượng cao về phía viên sỏi để làm viên sỏi vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ. Phương pháp này được thực hiện khác nhanh, thường chỉ mất khoảng 20 phút. Tỷ lệ thành công của cách điều trị này dựa trên kích thước của viên sỏi, nếu viên sỏi quá lớn, trẻ có thể phải thực hiện lại phương pháp này nhiều lần. Hơn nữa, sau điều trị, trẻ có thể mất khoảng 3 tháng để có thể tống hết vụn sỏi ra bên ngoài.
- Tán sỏi thận qua da: Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu để loại bỏ viên sỏi. Trẻ sẽ được gây mê trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Nội soi niệu quản: Thủ thuật này được thực hiện nếu sỏi nằm ở khu vực giữa và dưới niệu quản. Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ nhỏ có máy ảnh đi qua niệu đạo, bàng quang đến niệu quản để loại bỏ hoặc chia nhỏ viên sỏi.
Cách phòng ngừa sỏi thận cho trẻ nhỏ
Mặc dù sỏi thận là một bệnh khá hiếm gặp ở trẻ nhỏ nhưng bố mẹ cũng không nên vì thế mà chủ quan. Theo các chuyên gia, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sỏi thận cho trẻ là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trẻ đã từng bị sỏi thận sẽ có nguy cơ phát triển thêm những viên sỏi khác dao động trong khoảng 30 – 65%.
Dưới đây là một số cách phòng ngừa sỏi thận cho trẻ nhỏ, bố mẹ nên lưu ý:
- Nếu trẻ đã từng bị sỏi thận, sau điều trị mẹ nên cho trẻ xét nghiệm máu, nước tiểu và phân tích viên sỏi của trẻ đều tìm ra nguyên nhân phát triển sỏi thận ở trẻ.
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Để biết lượng nước trẻ cần cung cấp vào cơ thể mỗi ngày, bố mẹ có thể căn cứ vào cách tính nhu cầu nước sau:
- Trẻ có cân nặng từ 1 – 10kg: 100ml/kg cân nặng.
- Trẻ có cân nặng từ 11 – 20kg: 1.000ml/10kg cân nặng đầu tiên + 50ml/kg cân nặng tăng thêm.Trẻ có cân nặng từ 21kg trở lên: 1.500ml/20kg cân nặng đầu tiên + 20ml/kg cân nặng tăng thêm.
Riêng đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên lưu ý cho trẻ bú đủ sữa mỗi ngày.
- Cân bằng lại chế độ dinh dưỡng của trẻ: lưu ý, chỉ bổ sung cho trẻ đủ lượng canxi, natri, vitamin D, C,… cần thiết.
- Tránh cho trẻ ăn thức ăn nhanh và các thực phẩm chứa nhiều gia vị, mặn.
- Hạn chế cho trẻ uống nước ngọt có gas.
- Tập cho trẻ thói quen đi tiểu, không nhịn tiểu.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị sỏi thận ở trẻ em. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và tránh được các biến chứng lâu dài. Hãy theo dõi các bài viết mới nhất của Người Việt tại Luang Prabang để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin hữu ích nào nhé!