Kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm lấy tại tiệm bánh mì Hồng Ngọc 12 phát hiện pate bị nhiễm khuẩn Salmonella gây ngộ độc 149 người.
Kết quả kiểm nghiệm được Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp công bố ngày 16/8, nói rõ pate gan cho tiệm Hồng Ngọc tự sản xuất. Cụ thể, trong 51 mẫu bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân có 29 mẫu nhiễm vi khuẩn Salmonella, xét nghiệm 4 mẫu thực phẩm lấy tại tiệm Hồng Ngọc gồm chả lụa, jambon (chả đỏ), pate gan, xúc xích tỏi, dưa chua (củ cải trắng), thì món pate gan cũng nhiễm khuẩn này.
“Vi khuẩn Salmonella có trong pate gan gây ngộ độc cho người ăn bánh mì thịt”, Sở Y tế kết luận.
Kết luận điều tra cũng ghi nhận tiệm Hồng Ngọc vẫn bán các thực phẩm khác ngoài bánh mì thịt dù bị cơ quan chức năng yêu cầu ngừng hoạt động ngay sau khi 20 công nhân ngộ độc nhập viện. Tiệm Hồng Ngọc cũng thiếu một số hợp đồng nguyên liệu, tủ bày bán thức ăn không có trang bị dụng cụ chống côn trùng hay động vật gây hại xâm nhập, quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều.
Sở Y tế Đồng Tháp kiến nghị UBND thành phố Hồng Ngự phạt tiệm bánh mì Hồng Ngọc về “hành vi bán thực phẩm gây ngộ độc từ 5 người trở lên”, mức phạt 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, tiệm có thể bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm trong 3-5 tháng.
Salmonella là thủ phạm gây nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống, sinh độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm (35-37 độ C), phát tán ra môi trường và bám vào thực phẩm như thịt, trứng gia cầm.
Theo điều tra, chiều 6/8 công ty may Thái Dương TP Hồng Ngự mua 33 ổ bánh mì của tiệm bánh mì Hồng Ngọc 12 cho công nhân tăng ca ăn khuya. Tổng cộng 31 công nhân tăng ca thì 29 người đã ăn bánh mì, sau đó bị ngộ độc (19 người nhập viện, 10 người điều trị tại nhà), riêng hai người không ăn thì sức khỏe bình thường.
Ngày 7/8, cơ quan chức năng yêu cầu tiệm Hồng Ngọc 12 ngưng hoạt động. Thế nhưng trong gần một tuần sau, nhiều người dân lần lượt nhập viện với triệu chứng tương tự các công nhân, và đều xuất hiện bất thường sau khi ăn bánh mì Hồng Ngọc. Tổng cộng 149 người bị ngộ độc, bao gồm số công nhân trên.
“Tiệm khai báo đã dừng từ 10h30 ngày 7/8 song vẫn bán bánh mì lạt và ngọt, bánh bông lan đến chiều cùng ngày”, kết luận điều tra của Sở Y tế ghi nhận, thêm rằng “vài giờ sau chủ tiệm xin ‘khai lại’ thời gian dừng hoạt động hoàn toàn phải đến sáng 8/8”.
Hiện 142 bệnh nhân đã xuất viện, 7 người còn đang điều trị, sức khỏe tạm ổn.
Hồng Ngọc là thương hiệu bánh mì được quảng cáo có hơn 100 cơ sở ở miền Tây. Tại Đồng Tháp, ngoài cửa hàng ở TP Hồng Ngự còn có ở Cao Lãnh và Sa Đéc.