Khi thận không còn khả năng lọc máu để loại bỏ các chất độc và cặn bã ra khỏi cơ thể, tình trạng suy thận xảy ra. Để thay thế chức năng này của thận và ngăn ngừa bệnh tiến triển gây nguy hiểm đến tính mạng thì quá trình lọc máu sẽ được thực hiện. Vậy khi nào người bị suy thận cần phải tiến hành lọc máu?
Tổng quan về phương pháp lọc máu, chạy thận
Lọc máu là phương pháp hỗ trợ điều trị cho người bị suy thận nhằm loại bỏ các chất độc nội và ngoại sinh, chất cặn bã từ quá trình chuyển hóa và các chất lỏng dư thừa trong máu ra bên ngoài. Tuy nhiên, lọc máu chỉ giúp thực hiện chức năng bài tiết của thận mà không có khả năng thay thế chức năng nội tiết như kích thích sản sinh hồng cầu, điều hòa huyết áp, cân bằng nội môi, chuyển hóa canxi-phospho,….
Do đó, người bệnh cần được lọc máu kết hợp với điều chỉnh các rối loạn do suy giảm chức năng nội tiết gây ra. Một số phương pháp lọc máu phổ biến hiện nay là: lọc máu ngắt quãng (thận nhân tạo), lọc màng bụng, lọc máu liên tục…
Trong quá trình chạy thận nhân tạo cũng như lọc máu liên tục, máu sẽ đi qua một bộ lọc được gọi là màng lọc máu gắn vào máy lọc máu. Máy lọc máu có nhiệm vụ bơm máu qua bộ lọc và đưa máu “sạch” trở lại cơ thể, đồng thời kiểm tra huyết áp, kiểm soát mức độ nhanh hay chậm của dòng máu chảy qua bộ lọc và các chất lỏng được loại bỏ khỏi cơ thể.
Lọc màng bụng là sử dụng chính màng bụng (phúc mạc) của người bệnh như một màng bán thấm để lọc nước dư thừa và các chất cặn bã vào dịch trong ổ bụng rồi được thải ra ngoài theo một đường ống.
Người bị suy thận lọc máu khi nào?
Để trả lời cho câu hỏi “Ở người suy thận phải lọc máu khi nào?”, BS.CKII Đinh Cẩm Tú cho biết: “ Bệnh thận mạn được chia thành 5 giai đoạn. Khi chuyển sang giai đoạn 3, 4 và 5 thận bắt đầu suy giảm hoặc mất dần chức năng lọc do mức độ tổn thương ngày càng nặng. Thông thường, người bệnh buộc phải tiến hành lọc máu khi bị suy thận cấp hoặc suy thận mạn đã bước vào giai đoạn cuối (giai đoạn 5). Lọc máu là phương pháp điều trị phổ biến nhất, giúp người bệnh kéo dài sự sống.”
Chỉ định lọc máu cho bệnh nhân suy thận
Tùy thuộc vào tình trạng của người suy thận cấp tính hay mạn tính, bác sĩ sẽ đưa ra điều kiện và phương pháp lọc máu khác nhau.
Suy thận cấp
Điều kiện khi chỉ định lọc máu cho người suy thận cấp
Suy thận cấp xảy ra khi chức năng của thận bị suy giảm đột ngột khiến cho các chất thải không được loại bỏ ra khỏi cơ thể, mất cân bằng nước và chất điện giải. Nếu không điều trị kịp thời, suy thận cấp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh. Do đó, các bác sĩ sẽ chỉ định lọc máu khi người suy thận cấp có những biểu hiện sau đây:
- Không đáp ứng với điều trị nội khoa, thiểu niệu hoặc vô niệu
- Ure máu cao hơn 30 mmol/l
- Kali máu cao hơn 6 mmol/l, K+ tăng nhanh, trên điện tâm đồ có nhịp chậm, rối loạn nhịp tim thất bại với điều trị nội khoa
- Tăng gánh thể tích, áp lực tĩnh mạch trung tâm tăng, biến chứng phù phổi
- Toan máu nặng pH dưới 7.2
- Na+ máu cao hơn 150 mmol/l hoặc thấp hơn 115 mEq/l
Phương pháp lọc máu cho người suy thận cấp
- Lọc màng bụng
Lọc màng bụng là phương pháp điều trị suy thận bằng cách sử dụng lớp niêm mạc mỏng của bụng (phúc mạc) như một bộ lọc. Người bệnh được đặt một ống thông mềm gọi là catheter. Trong quá trình lọc máu, một dung dịch vô trùng, được gọi là dịch lọc được luân chuyển vào bụng qua ống thông.
Dịch lọc sẽ hấp thu các chất thải và chất lỏng dư thừa từ các mạch máu trong niêm mạc bụng vào khoang ổ bụng. Sau đó, dịch lọc có chứa chất cặn bã và nước dư thừa đó sẽ được tháo ra khỏi khoang bụng bằng tay hay bằng máy qua ống dẫn lưu vào túi chứa chất thải.
Sau đó, dịch lọc khác lại được đưa trở lại phúc mạc để làm sạch máu một lần nữa. Chu trình lọc màng bụng diễn ra trong vòng 4-6 giờ, mỗi lần cần 2 lít dịch lọc và thực hiện liên tục cho đến khi chức năng thận được phục hồi, hạ kali, ure và creatinin máu.
Lưu ý: Lọc màng bụng chống chỉ định cho các trường hợp: thoát vị cơ hoành, nhiễm khuẩn phúc mạc, có khối u ổ bụng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm đại tràng mãn tính, rối loạn tâm thần…
- Thận nhân tạo
Thận nhân tạo là phương pháp lọc máu được thực hiện bên ngoài cơ thể người bệnh. Máu sẽ được dẫn qua các ống của máy lọc để loại bỏ các chất độc, chất lỏng dư thừa trước khi đưa trở lại cơ thể. Phương pháp này giúp người bệnh duy trì sự sống, giảm nguy cơ tử vong từ 70-80% xuống còn 10%.
Lưu ý: Phương pháp thận nhân tạo chống chỉ định cho các trường hợp: người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch nặng, rối loạn đông máu….
Suy thận mạn
Điều kiện khi chỉ định lọc máu cho người suy thận mạn
Các triệu chứng của hội chứng Ure huyết cao thường xuất hiện khi tình trạng suy thận của người bệnh sắp bước sang giai đoạn cuối (giai đoạn 5) khiến thận bị suy giảm nặng hoặc ngừng hoạt động chức năng nội tiết và bài tiết. Người bệnh được chỉ định lọc máu khi có các điều kiện sau đây:
- Ure máu cao
- Kali trong máu cao hơn 6.5 mmol/L và xuất hiện rối loạn điện giải, tan máu nặng, phù phổi
- Độ lọc cầu thận < 15 ml/phút
Phương pháp lọc máu cho người suy thận mạn
Tương tự như người bị suy thận cấp, lọc máu cho người suy thận mạn cũng có thể áp dụng 2 phương pháp: lọc màng bụng và thận nhân tạo.
Lọc màng bụng cho người bệnh suy thận mạn có 2 hình thức:
- Lọc màng bụng liên tục ngoại trú: là phương pháp điều trị bằng các thao tác thủ công, không cần máy móc, người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà mà không phải đến bệnh viện. Quá trình này diễn ra khoảng 4 lần trong ngày với các thao tác đơn giản và chi phí điều trị thấp, phù hợp với mọi đối tượng.
- Lọc màng bụng tự động bằng máy: là phương pháp điều trị cho người bệnh suy thận bằng cách sử dụng máy móc để trao đổi dịch lọc. Quá trình này thường được thực hiện mỗi đêm trong khi người bệnh đang ngủ.
Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và mong muốn của người bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất, có thể điều trị theo từng phương pháp riêng lẻ hoặc kết hợp cả hai nhằm mang lại kết quả điều trị tốt nhất.
Ngoài ra còn một phương pháp khác điều trị người bệnh suy thận mạn là ghép thận. Ghép thận là quá trình phẫu thuật đưa một quả thận khỏe mạnh từ người hiến ghép vào ổ bụng của người có chức năng bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động.
Đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn cao để hạn chế hoặc kịp thời xử lý các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, đông máu, thải ghép… Phương pháp này khá tốn kém, chỉ phù hợp cho những đối tượng có điều kiện kinh tế vì sau khi ghép thận, người bệnh cần được kiểm tra sức khỏe lâu dài và uống thuốc chống thải ghép gần như suốt đời để đảm bảo sức khỏe.
Một số lưu ý dành cho bệnh nhân lọc máu, chạy thận
Dưới đây là một số lưu ý mà người bệnh suy thận lọc máu cần biết.
Chạy thận hết bao nhiêu tiền?
Chi phí chạy thận là vấn đề được rất nhiều người quan tâm bởi nó ảnh hưởng đến quyết định điều trị cho người suy thận. Tuy nhiên, rất khó để biết chính xác chạy thận hết bao nhiêu tiền vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: phương pháp chạy thận, thiết bị y tế, khu vực sinh sống, thể chất của người bệnh…
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, chi phí lọc máu, chạy thận tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật… Thế nhưng, dù chi phí có thấp đến đâu thì người suy thận lọc máu vẫn cần quá trình điều trị lâu dài và tốn kém.
Với các đối tượng có bảo hiểm y tế, các khoản chi phí điều trị liên quan đến lọc máu, khám bệnh hay đơn thuốc sẽ được miễn giảm khoảng 80 – 100%. Còn đối với những khoản điều trị không được miễn giảm toàn bộ, người bệnh phải tự chi trả từ vài triệu cho đến vài chục triệu. Để biết mức phí chính xác, người bệnh nên chủ động liên hệ đến cơ sở y tế đang hoặc sẽ điều trị để được tư vấn chi tiết nhất.
Người bị suy thận cần có chế độ ăn như thế nào?
Theo BS.CKII Đinh Cẩm Tú, người bị suy thận cần có chế độ ăn uống hợp lý như sau:
- Không nên tiêu thụ nhiều kali có trong các loại thực phẩm như cam, chuối, nho, đu đủ, hạt dẻ, bắp cải, súp lơ, cafe…
- Kiểm soát lượng muối trong khẩu phần ăn, tối đa là 1500mg/ngày, hạn chế tối đa các món ăn quá mặn như dưa muối, nước mắm, cá biển…
- Bổ sung lượng đạm vừa đủ, hạn chế các loại thức ăn nhiều đạm như: thịt gà, thịt heo, cá, trứng, tôm… và đảm bảo khẩu phần ăn có ít nhất 50% đạm động vật
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều photpho như các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, bia…cũng như tăng cường bổ sung canxi cho cơ thể
Người chạy thận, lọc máu có thể làm việc được không?
Nhiều người chạy thận đã trở lại làm việc bình thường khi họ đã quen với việc lọc máu hàng ngày. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh những công việc lao động chân tay nặng dễ đổ mồ hôi, mất sức nhiều, chỉ nên làm những công việc nhẹ nhàng, vận động vừa phải để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người chạy thận có thể sống được bao lâu?
Trong trường hợp thận bị hỏng hoặc không thể hồi phục chức năng thì người bệnh có thể phải chạy thận cả đời, trừ khi ghép thận. Tuổi thọ trung bình của người chạy thận có thể kéo dài từ 5 – 10 năm nhưng cũng có nhiều người vẫn sống tốt khi chạy thận 20 năm, thậm chí là 30 năm tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ tuân thủ phác đồ điều trị.
Tóm lại, lọc máu là phương pháp điều trị quan trọng giúp người bệnh suy thận duy trì sự sống và cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc lựa chọn phương pháp lọc máu phù hợp và thời điểm tiến hành lọc máu cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp vấn đề về thận, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Đừng quên theo dõi các bài viết khác của chúng tôi trên Người Việt tại Luang Prabang để cập nhật thêm thông tin hữu ích khác nhé!