Trở thành nước mà các DN Việt Nam rót vốn vào nhiều nhất, Lào đang thực sự trở thành “miền đất hứa” cho các DN đem chuông đi đánh xứ người.
Tính đến tháng 8/2015, đã có 261 dự án đầu tư với tổng số vốn 5,2 tỷ USD của DN Việt Nam rót vào Lào. Như vậy, tính từ thời điểm bắt đầu đầu tư năm 1989, số vốn đăng ký đến năm 2007 chỉ khoảng hơn 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, con số này đã tăng lên nhanh chóng trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây, khi năm 2011 đã có 203 dự án đầu tư, đạt trên 3,3 tỷ USD và đã tăng lên 4,2 tỷ USD vào năm 2012. Đến năm 2014 có 253 dự án với tổng số vốn FDI đạt hơn 5,1 tỷ USD.
Liên tục rót vốn “khủng”
Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng vị trí thứ hai đầu tư vào Lào. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là năng lượng (phần lớn là thủy điện) chiếm khoảng 26%; dịch vụ, hạ tầng chiếm khoảng 20%; nông – lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp chiếm khoảng 23%; khai khoáng 19%…
Đầu tư của Việt Nam cũng đã góp phần tăng thu ngân sách cho Lào năm 2014 khoảng 200 triệu USD và năm 2015 ước đạt 240 – 260 triệu USD. Các dự án của DN Việt Nam cũng tạo việc làm cho trên 30.000 lao động.
Dự kiến đến năm 2017, khi nhiều dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động, sẽ góp phần tăng thu ngân sách cho Lào khoảng 350 – 400 triệu USD, tạo việc làm cho trên 35.000 lao động.
Điểm đáng chú ý là trong số gần 100 DN Việt Nam đầu tư vào Lào, đều có những DN tên tuổi lớn của Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Dầu khí, Hóa chất, Than – Khoáng sản, Dệt may, Golf Long Thành, Hòa Phát, Hà Đô, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Quân đội, Tập đoàn Viettel… có những dự án lớn lên tới hàng tỷ USD.
Trở thành quốc gia được rót vốn vào nhiều nhất, Lào đang trở thành “miền đất hứa” cho các DN “đem chuông đi đánh xứ người”. Một mối quan hệ đặc biệt, được những nhà lãnh đạo của hai nước ưu tiên hợp tác trên mọi lĩnh vực chính là chất xúc tác lớn nhất để các DN Việt Nam rót mạnh vốn vào Lào.
Trong chuyến thăm và làm việc mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, mối quan hệ đặc biệt này tiếp tục được nhấn mạnh. Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong nhấn mạnh sẽ tiếp tục dành ưu tiên cao nhất và tiếp tục theo dõi, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN Việt Nam triển khai hiệu quả các dự án đầu tư tại Lào.
Nhiều thuận lợi cho DN
Quan hệ tốt đẹp giữa hai nước được xem là nền tảng để các nhà đầu tư đặt niềm tin khi đầu tư vào Lào. Tuy nhiên, điều kiện cần này chưa đủ để DN có thể yên tâm, nếu như Lào không phải là đất nước có môi trường kinh doanh, điều kiện tự nhiên và các chính sách luôn thuận lợi, một thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Nhìn vào các dự án đầu tư của DN Việt Nam, phần lớn đều liên quan đến lĩnh vực thủy điện, hạ tầng, nông nghiệp… Tiềm năng về đất đai cùng địa hình đặc thù, Lào đã có sức hút đặc biệt với các nhà đầu tư để triển khai các dự án bất động sản, dịch vụ hạ tầng, khoáng sản và trồng cây nông nghiệp…
Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ Lào khi lựa chọn chiến lược “biến đất thành vốn”, theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tức là lấy nguồn thu từ việc cho thuê đất và khai thác tài nguyên từ đất, như khoáng sản, nông nghiệp, điện lực. Hiện Lào có ít nhất 23 đập thủy điện đang hoạt động dọc song Mê Kông và đến năm 2020, nước này kỳ vọng có hơn 93 dự án hoạt động.
Thêm vào đó, yếu tố tăng trưởng kinh tế của Lào trong những năm gần đây cũng tạo nhiều thuận lợi cho các DN đầu tư kinh doanh. Trong năm tài khóa 2014 – 2015, kinh tế Lào dự báo sẽ tăng khoảng 7,5%, đạt giá trị khoảng 102.320 tỷ kíp (tương đương hơn 12,7 tỷ USD).
Giai đoạn trước đó 2011 – 2013, tăng trưởng kinh tế của Lào đều trên mức 8%. Thu nhập bình quân đầu người của Lào khoảng gần 1.700 USD/năm. Lào từng được bình chọn là một trong 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh theo Business Insider.
Tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt gần 20%, trong đó có tới 58% giá trị xuất khẩu đến từ các sản phẩm khai khoáng, mỏ; 13% từ thủy điện. Đây cũng được xem là lợi thế cho các DN Việt Nam khi đầu tư vào Lào.
Bên cạnh đó, 75% lực lượng lao động của Lào hoạt động trong nông nghiệp, lĩnh vực đóng góp khoảng 30% vào GDP của quốc gia này. Đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực thủy điện, khai khoáng và xây dựng đã thúc đẩy tăng trưởng của Lào, đã cho thấy đây là những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng khá lớn khi đầu tư tại nước này.
Với những lợi thế và tiềm năng như vậy, dễ hiểu vì sao các lĩnh vực mà DN Việt Nam nhắm đến là khai khoáng, thủy điện, dịch vụ, hạ tầng và nông nghiệp. Và không chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư Việt Nam, Lào cũng đang trở thành điểm đến được các DN Hàn Quốc, Nhật Bản “để mắt” đến.
Nguồn: Trí thức trẻ