Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, ngày 4/4, Bộ Y tế phát động chương trình Vì sức khỏe người Việt với hàng loạt các hoạt động để giảm nguy cơ mắc bệnh đặc biệt là bệnh không lây nhiễm, nhằm hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới 7/4.
Xã hội càng phát triển, chế độ dinh dưỡng của mỗi người ngày càng kém do đâu?
Sự thay đổi nhanh chóng của chế độ ăn và lối sống xảy ra cùng với công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế và toàn cầu hóa thị trường, đã tăng lên trong thập kỷ vừa qua. Điều này tác động có ý nghĩa tới tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của quần thể dân cư, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và các nước đang trong thời kỳ quá độ.
Trong khi mức sống được cải thiện, thực phẩm ngày càng sẵn có và đa dạng, sự tiếp cận với các dịch vụ ngày càng tăng, đã xuất hiện các hậu quả tiêu cực có ý nghĩa về các mặt như mô hình ăn uống không phù hợp, giảm hoạt động thể lực và tăng sử dụng thuốc lá, và tương ứng là sự gia tăng các bệnh mạn tính có liên quan tới ăn uống, đặc biệt là trong nhóm người nghèo.
Do những thay đổi trong chế độ ăn và lối sống, các bệnh mạn tính không lây bao gồm béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ và một số loại ung thư đang ngày càng trở thành các nguyên nhân có ý nghĩa của hiện tượng chết non và tàn tật ở các nước đang và mới phát triển. Các yếu tố lối sống chính làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây bao gồm chế độ dinh dưỡng không lành mạnh và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ít hoạt động thể lực…
Dinh dưỡng đang giữ vị trí hàng đầu như là một yếu tố quyết định chính có thể điều chỉnh được đối với các bệnh mạn tính không lây, với các bằng chứng khoa học ngày càng nhiều, ủng hộ cho quan điểm sự thay đổi trong chế độ ăn tạo ra những sự tác động mạnh mẽ, cả tích cực lẫn tiêu cực, tới sức khỏe suốt cả cuộc đời của mỗi người. Quan trọng nhất là sự điều chỉnh chế độ ăn có thể không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại mà còn có thể xác định một người sẽ phát triển các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và đái tháo đường hay không trong giai đoạn rất lâu về sau của cuộc đời.
Trước thực trạng bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng như các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường…, Bộ Y tế cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động chủ đề Ngày sức khoẻ thế giới năm nay là: Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân hướng tới mục tiêu tất cả người dân và cộng đồng được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng hiệu quả, bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh tật, khám sàng lọc phát hiện sớm, điều trị bệnh.
Hưởng ứng ngày sức khỏe Việt Nam
Theo đó, ngày 7/4 tới sẽ tổ chức lễ mít tinh với sự tham gia của 5.000 nghìn người và các bác sĩ của Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi trung ương, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết trung ương sẽ khám bệnh và tư vấn miễn phí cho người dân đặc biệt là người cao tuổi.
Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày sức khỏe Việt Nam với các hoạt động:
1. Tập thể dục giữa giờ nhanh, vui, khỏe
2. 10.000 bước chân mỗi ngày – thay đổi cuộc sống
3. Ăn giảm muối, đường, ăn nhiều rau xanh trái cây để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật
4. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia
5. Đo đường máu ít nhất một năm 1 lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường
6. Sàng lọc phát hiện sớm để chữa khỏi ung thư
7. Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh
8. Hiến máu cứu người một nghĩa cử cao đẹp
9. Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình
Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe chú trọng vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh thông qua các biện pháp kiểm tra sức khỏe đơn giản như đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, sàng lọc ung thư…, biết tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như: câu lạc bộ người bệnh không lây nhiễm, trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc nâng cao sức khỏe, thành phố sức khỏe.