Hiện nay việc dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông và trung học đã có bước đột phá ở nhiều mặt về đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy, giáo trình, kỹ năng… Việc học “song bằng” đang là chủ đề hot hiện nay.Tuy nhiên, đẩy mạnh hiệu quả dạy và học tiếng Anh vẫn đang là 1 trong những mục tiêu hàng đầu của ngành giáo dục. Một số trường đầu tư đội ngũ giáo viên du học từ Mỹ về thông qua các công ty tư vấn du học uy tín tại Việt Nam.
“Đó là một chương trình học thực sự nặng”
“Dư luận xã hội gần đây nói nhiều đến giảm tải học cho học sinh đặc biệt là học sinh tiểu học và trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ra nhiều thông tư, hướng dẫn về vấn đề này. Tôi nghĩ, để có thể theo học chương trình song bằng này, học sinh được lựa chọn phải thật sự xuất sắc, nếu không sẽ là áp lực rất lớn cho các cháu và cha mẹ vì chương trình rất nặng.
Thông báo mới nhất của Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội đã hạ điểm chuẩn rất thấp vào chương trình song bằng của tất cả bảy trường triển khai nhằm tuyển đủ chỉ tiêu. Như vậy, sẽ có nhiều cháu ngồi “nhầm lớp” và áp lực học tập của các cháu và cha mẹ học sinh là rất rõ ràng. Việc triển khai chương trình song bằng này không những giảm tải mà còn tăng tải cho học sinh?”
Đây là vấn đề thứ 2 được bạn đọc Phương Thảo tại Hà Nội, đặt ra cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong buổi giao lưu “Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng” do Báo Nhân Dân tổ chức ngày 10/7. Bà Bùi Thị Minh Nga, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội trả lời câu hỏi trên của chị Phương Thảo, rằng:
“Về việc hạ điểm chuẩn vào chương trình song bằng nhằm tuyển đủ chỉ tiêu. Ở đây, chúng tôi không bị áp lực về chỉ tiêu. Không phải là nếu giao chỉ tiêu cho các trường hai lớp, thì bắt buộc phải tuyển đủ hai lớp. Chúng tôi đang tạo điều kiện, cơ hội cho những học sinh có đủ năng lực được tham gia chương trình song bằng. Chúng tôi cũng khuyến cáo rằng chương trình học nặng, chỉ thực hiện khi cha mẹ học sinh hoàn toàn tự nguyện và các con có đủ năng lực.
Nếu bố mẹ không tự nguyện, bảy hiệu trưởng tại các trường thí điểm ở đây không có cách nào bắt buộc cho học sinh theo học. Nếu con không đủ năng lực thì bố mẹ không nên ép các con để tạo thêm căng thẳng cho các con. Hôm qua, cá nhân tôi đã nhận được ba đề nghị từ phụ huynh, nói rằng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân còn thiếu chỉ tiêu, xin phép Sở Giáo dục – Đào tạo duyệt cho cháu vào. Tôi trả lời rằng phải làm đúng quy định. Tôi khẳng định chương trình song bằng không phải là chương trình thử sức. Đó là một chương trình học thực sự nặng, các con có đủ năng lực thì mới nên cho tham gia chương trình học này.
Các phụ huynh có thể được lựa chọn một chương trình đào tạo khác của Hà Nội mà vẫn bảo đảm cho các con trở thành một công dân có ích cho xã hội. Chúng ta đừng đặt những câu hỏi như nhiều cháu ngồi nhầm lớp. Chúng tôi không ép học sinh vào, từng cháu đều phải duyệt qua Sở Giáo dục – Đào tạo để bảo đảm đúng chuẩn. Về mặt chuyên môn, chúng tôi khẳng định với điểm chuẩn như thế, các phụ huynh lo một, Sở Giáo dục – Đào tạo lo mười. Vì chúng tôi cam kết đầu ra cho các con.”
Chương trình “song bằng” để làm gì?
Đọc câu hỏi trên và câu trả lời của bà Bùi Thị Minh Nga, quả thật chúng tôi không biết Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thúc đẩy, triển khai chương trình “song bằng” này để làm gì? Bởi lẽ giảm tải đang là yêu cầu đòi hỏi của xã hội đối với ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vất vả tìm cách giảm tải chương trình bậc tiểu học, trung học cơ sở.
Vấn đề quan trọng nhất khi học chương trình quốc tế là khối lượng học của học sinh. Các chương trình quốc tế thường là chỉ dành cho học sinh học chương trình đó 100% và không cần học thêm chương trình “nội địa”. Còn ở Việt Nam, có thể dạy tối đa 3 môn Tiếng Việt / Ngữ văn, Lịch sử Việt Nam và Địa lý Việt Nam bằng tiếng Việt để giữ lại nền tảng văn hóa, cốt cách dân tộc và sợi dây nối liền quá khứ – hiện tại – tương lai của giống nòi.
Tuy nhiên, với chương trình “song bằng” của Hà Nội, học sinh cần học đầy đủ cả chương trình Việt Nam và chương trình nước ngoài là quá sức các em, ôm đồm như thế lấy đâu ra chất lượng? Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rằng, Chương trình Cambridge (nguyên bản) thực sự hay, và tất nhiên không hề nhẹ đối với học sinh Việt Nam.
Để học cho “ra ngô, ra khoai” cần đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc không hề nhỏ mới có thể hoàn thành tốt chương trình, đào tạo ra những sản phẩm thực sự có chất lượng theo tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi của Cambridge. Nhưng riêng về thời gian và khối lượng kiến thức, các em hệ “song bằng” đã phải học gấp đôi học sinh bình thường.
Trong khi chỉ học riêng chương trình Việt Nam, các em đã phải học thêm tối ngày mới có thể theo kịp các kỳ thi hiện nay. Nếu thấy Chương trình Cambridge thực sự hay và cần thiết, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo mở cửa cho trường nào đủ điều kiện Cambridge đặt ra và không phải lo nhiệm vụ phổ cập giáo dục, được nhập khẩu nguyên bản chương trình này về giảng dạy.
Chỉ nên dạy 3 môn Tiếng Việt / Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý Việt Nam bằng tiếng Việt để giữ và phát triển phần “Việt Nam” trong con người các em, còn lại hãy cho các em thời gian và cơ hội để hội nhập, trở thành “công dân toàn cầu” như mong muốn của Sở. Đồng thời 9 trường công lập Hà Nội khi nào đăng ký thành công trở thành Trường quốc tế Cambridge được Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge thừa nhận, lúc đó hãy nghĩ đến chuyện tuyển sinh.
Cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang phá “luật chơi” làm nên thương hiệu của Chương trình Cambridge. Còn nếu Sở chỉ sử dụng 3-4 giáo viên bản ngữ “chuẩn Cambridge” (nếu có) để quảng cáo, còn thực tế thì “ta dạy ta”, hay vơ bèo vạt tép, miễn là “thầy Tây” là được, thì các trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội không thiếu. Nhưng chất lượng đầu ra Sở sẽ đảm bảo bằng cách nào?
>>> Xem thêm: https://www.vietnamconsulate-battambang.org/giao-duc/co-hoi-du-hoc-tu-lop-10-qua-dao-tao-song-bang-quoc-te