Sinh hoạt phí khi đi du học chắc hẳn luôn là vấn đề mà các bạn du học sinh quan tâm hàng đầu. Các bạn muốn biết được một con số cụ thể để chuẩn bị trước và đưa ra quyết định có nên đi du học, cụ thể là du học Ba Lan hay không là điều dễ hiểu, chính mình trước đây cũng đã lăn tăn, lo lắng về việc này rất nhiều nên mình sẽ chia sẻ sinh hoạt phí của mình một cách thực tế nhất, coi như một bản chi tiêu mẫu để các bạn có thể tham khảo.
Phí thuê nhà
Đầu tiên là vấn đề nhà thuê. Mình đang sống tại ký túc xá của trường với mức giá 450złoty, tương đương 2.800.000 VNĐ (1złoty = 6200 VNĐ, dành cho những bạn chưa kịp tìm hiểu về đơn vị tiền tại Ba Lan). Đây là mức phí một người phải chi trả mỗi tháng cho phòng đôi, đã bao gồm tất cả các khoản phí từ tiền điện, tiền nước, phí giặt đồ,… Đối với mình thì mức phí này hợp lý, phòng ở ổn, và mình may mắn được xếp ở chung phòng với một chị đồng hương Việt Nam tính cách dịu dàng và dễ thương. Vì vậy có lẽ mình sẽ tiếp tục ở ký túc xá để tiết kiệm chi phí.
Ngoài phòng đôi thì ký túc xá trường mình cũng có cả phòng đơn với mức giá 540złoty/người (=3.350.000 VNĐ) nhưng vì chúng ta là du học sinh, bất đồng ngôn ngữ nên sẽ khó trao đổi với người quản lý hơn là sinh viên bản địa, dẫn tới khó đăng ký phòng đơn hơn.
>>> Xem thêm: Bí Kíp Du Học Ngành Khách Sạn Và Ẩm Thực Tiết Kiệm
Nếu các bạn không muốn sống trong ký túc xá của trường thì cũng có thể lựa chọn thuê phòng ở ngoài và chấp nhận mức giá thuê cao hơn một chút. Cụ thể, tại Poznań thì phòng đôi sẽ có giá cho thuê là khoảng 550 – 650złoty (=3.400.000 – 4.030.000 VNĐ) và phòng đơn là 750 – 850złoty (=4.650.000 – 5.270.000 VNĐ), cả hai đều đã được bao gồm tất cả chi phí. Thông thường nếu đã thuê phòng ở ngoài thì bạn sẽ sống trong một căn hộ và phải dùng chung phòng bếp, nhà vệ sinh và các khu vực không gian chung khác nhưng đổi lại thì được phép sử dụng bếp thuận tiện hơn so với sống trong ký túc xá.
Phí đồ ăn
Nếu tính thoải mái một chút thì bạn sẽ tốn khoảng 200złoty (=1.250.000 VNĐ) một tháng cho khoản ăn uống. Tuy gọi là “thoải mái” nhưng bạn nên mua đồ tại siêu thị và tự nấu ăn, hạn chế ăn ngoài. Chắc chắn con số này sẽ nhân lên rất nhiều nếu ngày nào bạn cũng ra ngoài mua đồ ăn. Vật giá đồ ăn tại Ba Lan, theo mình là tương đối giống với ở Việt Nam mình. Mình thường xuyên mua đồ tại siêu thị Lidl nên sẽ lấy một vài ví dụ về một số mặt hàng tại đây để các bạn dễ dàng nhận định: thịt heo 8,49złoty (= 52.000 VNĐ)/500g, thịt bò 25,9złoty (=160.600 VNĐ)/1kg, chuối 3,99złoty (=24.700 VNĐ)/1kg.
Phí di chuyển
Tại Poznań có hai phương tiện di chuyển chính là tàu (train) và xe buýt (bus) với hệ thống tuyến đường và trạm dừng ở khắp nơi trong thành phố. Các bạn nên mua vé theo tháng, đối với sinh viên thì khoản phí này khá rẻ, chỉ 37złoty (=230.000 VNĐ)/tháng, những ai không phải sinh viên thì phải trẻ mức phí đắt gấp đôi! Ngoài 37złoty này thì mình không cần tốn thêm khoản tiền nào cho việc đi lại cả.
Phí điện thoại
Thực tế thì một tháng mình chi 15złoty (=93.000 VNĐ) cho việc nạp tiền điện thoại, bao gồm 9złoty (=55.800 VNĐ) để đăng ký gói cước 2GB data, 6złoty còn lại để gọi điện và nhắn tin. Tại Ba Lan, các thuê bao do cùng một nhà mạng cung cấp sẽ được miễn phí cước gọi điện và nhắn tin, chỉ khi gọi tới thuê bao ngoại mạng mới bị tính phí.
Tổng chi tiêu sinh hoạt trong một tháng của mình qua 4 loại phí liệt kê ở trên vào khoảng 699złoty (=4.250.000 VNĐ). Lưu ý đây chỉ là sinh hoạt phí của cá nhân mình nên nó chỉ mang tính chất tham khảo và những con số mình đưa ra chỉ là gần đúng chứ không phải hoàn toàn chính xác bởi còn tùy thuộc vào thành phố mà bạn sống và nhu cầu sinh hoạt của riêng bạn nữa. Mong rằng những chia sẻ của mình có thể giúp bạn dự trù khoản tiền cần thiết cho bản thân.