Ngoài những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, học phí là một vấn đề với nhiều du học sinh tại Mỹ, khi không có học bổng, chi phí một năm mà một sinh viên phải bỏ ra có thể lên tới 60.000 USD.
Anh Hoàng Nhật Sơn – Lập trình viên
Từng là một sinh viên du học theo dạng học bổng toàn phần tại một trường ĐH thuộc Bang Indiana, Mỹ, Hoàng Nhật Sơn đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể vượt qua được các chương trình học tập trong trường. Những kiến thức và những bài thi đầu vào tại Việt Nam chỉ là những bước đầu phải vượt qua trong một loạt những khó khăn mà các du học sinh Việt Nam phải trải qua tại nền giáo dục phát triển nhất thế giới
Gần như tôi không ăn được gì trong năm đầu tiên, thứ 2 về đi lại thì rất hạn chế vì siêu thị rất xa các trường đại học, trong khi phương tiện công cộng lại không phát triển.
Ngoài những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, học phí cũng là một vấn đề với nhiều du học sinh, khi không có học bổng, chi phí một năm mà một sinh viên phải bỏ ra có thể lên tới 60.000 USD, thậm chí có thể hơn, đây là một khoản tiền rất lớn, các sinh viên bản địa cũng đã phải vay tiền học phí để học.
Không phải ai cũng trả được một khoản tiền khoảng 50.000 usd cho 1 năm học. Do đó rất nhiều người phải vay, như ở trường tôi, đã có rất nhiều trường hợp như vậy.
Để một phần bù đắp lại những chi phí đã bỏ ra, nhiều sinh viên đã có dự định ở lại Mỹ làm việc. Nhiều sinh viên cũng mong muốn được làm việc tại Mỹ để tích lũy thêm kinh nghiệm, tuy nhiên, để được tuyển dụng vào các công ty của Mỹ không phải là điều đơn giản khi mà môi trường làm việc và áp lực là rất lớn.
Ông Nguyễn Trí Hiếu – Việt kiều Mỹ, Chuyên gia Kinh tế
Đối với sinh viên nước ngoài gọi là non-resident, không phải người thường trú thì học phí rất cao. Việc xin học bổng ưu đãi sẽ khó hơn, sinh viên Việt Nam mà đi học ở bên Mỹ thì mỗi năm phải bỏ ra khoảng 50 – 60.000 usd.
Sự cạnh tranh ở xã hội Mỹ rất là gay gắt, mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường từ các trường đại học danh tiếng của Mỹ, đủ mọi thành phần, do đó tạo ra một thị trường lao động rất cạnh tranh và áp lực.
Anh Linh Dương – Cựu du học sinh Mỹ
Là chuyên gia tư vấn chiến lược cấp cao của tập đoàn kiểm toán và tư vấn PwC, New York, tôi thấy nhiều bạn ngay ở Việt Nam, khi xác định đi du học Mỹ là chỉ biết tập trung vào các ngành hot, chứ các bạn không biết mình thích gì, nếu chúng ta không học tốt và đúng thế mạnh thì khi đi làm chúng ta sẽ không thể cạnh tranh được về công việc tại các tập đoàn hàng đầu của Mỹ.
Theo thống kê của USIS Education, trong khoảng 2500 sinh viên Việt Nam ra trường mỗi năm tại Mỹ, chỉ có 500 sinh viên được ở lại Mỹ làm việc, 2000 sinh viên sẽ trở về Việt Nam, có người sẽ tìm được một công việc lý tưởng, tuy nhiên có thể sẽ có người sẽ chỉ tìm được một công việc có mức lương trung bình.