Đoàn công tác của Công ty Cổ phần Nicotex trải nghiệm hành trình 5 ngày đêm với chiều dài hơn 1800 km, từ Hà Nội – Việt Nam đi qua Luông Pra băng đến thủ đô Viêng Chăn – Lào. Chúng tôi bắt đầu chuyến bay từ sân bay quốc tế Nội Bài. Đồng chí hải quan cửa khẩu sân bay Viêng Chăn đón tiếp đoàn công tác rất hân hoan, niềm nở vui vẻ, mến khách dự báo một chuyến đi rất vui vẻ hữu nghị và gặp nhiều may mắn. Các thủ tục xuất cảnh giữa hai bên Việt – Lào đều diễn ra nhanh gọn.
Đường giao thông của nước bạn về cơ bản còn rất xấu, ổ gà, ổ trâu và thậm chí có cả ổ voi nữa. Xe ô tô đón đoàn công tác từ sân bay về trung tâm thành phố Viêng Chăn chỉ chạy với vận tốc 25 km/giờ, nhưng mấy anh em gần như bay lên nóc, cả cơ thể lên xuống theo những ổ gà trên đường đi, nói chung là cực kỳ khó tả chỉ thấy ngả nghiêng, chuyếnh choáng… Tuy nhiên, đổi lại, được cái là đi hai bên là những cánh rừng xanh và phong cảnh thiên nhiên hoang sơ kì thú, cây cối xanh mát làm chúng tôi có cảm giác như là xe đi chậm không phải do đường xấu mà dường như là cố tình để cho tất cả anh em chúng tôi từ từ được chiêm ngưỡng, thưởng thức.
Thỉnh thoảng hai bên ven đường đoàn xe của chúng tôi gặp những tấm biển vẽ voi, vẽ hổ, hay vẽ hình hươu, nai, sơn dương… với hàng chữ song ngữ bằng tiếng Lào và tiếng Anh, dịch ra là: “Chúng ta tự hào vì có voi, chúng ta tự hào vì có hổ”… Đây thật là sự khác biệt với Việt Nam chúng ta. Lào được coi là quốc gia nổi tiếng của rất nhiều loài động vật quý hiếm trên thế giới sinh sống, nổi bật nhất là voi, hổ và bò tót khổng lồ… Rất nhiều loài đang đứng trước hiểm họa tuyệt chủng do nạn săn trộm và phá rừng. Trên vùng Tây Bắc, vùng rừng núi được coi là hùng vĩ của Việt Nam, thế mà không chỗ nào có được một tấm biển báo như vậy. Đây có lẽ cũng là một điều đáng suy ngẫm về cách bảo vệ môi trường và tài nguyên của đất nước chúng ta. Những mong một ngày nào đó sau khi chúng ta nỗ lực, chung tay góp sức bảo vệ môi trường tài nguyên rừng, thì hy vọng các loài muông thú như Voi, hổ, báo, gấu, tê giác… cũng sẽ quay trở về với rừng xanh đại ngàn trên non sông gấm vóc của quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta.
Với nét văn hóa đặc trưng của những con người thân thiện, hiếu khách luôn làm lưu luyến những ai đã từng đặt chân tới đất nước Lào. Từ trẻ thơ cho tới các cụ già ở đây đều thích ca hát và múa những làn điệu truyền thống của dân tộc mình theo điệu nhạc du dương. Điển hình trong những điệu múa đó là điệu múa Lăm Vông nhịp nhàng và đằm thắm ta có thể bắt gặp trong các các bữa tiệc, đám cưới, và các lễ hội từng bừng ở khắp nơi.
Vào tháng tư hàng năm hàng triệu người trên khắp đất nước Lào anh em đều tổ chức và vui chơi trong ngày lễ thiêng liêng trọng đại gọi là Tết té nước: (Tết Lào) hay là hội té nước, dưới cái nóng oi ả của mùa hè người dân té nước với ý nghĩa để cầu may, cầu bình yên cho cả năm. Nghi thức dầu tiên của Tết té nước là làm lễ tắm Tượng Phật, rồi đến té nước vào những người xung quanh. Trong những ngày này, người dân còn xây tháp cát, phóng sinh, ăn món chay của dân tộc Lào, hái hoa tươi, buộc chỉ cổ tay. Với người dân Lào, họ tâm niệm rằng những phong tục này mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc cho cuộc sống, là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc ngàn xưa của đất nước Triệu Voi.
Khác với Thái Lan và Việt Nam, Lào không được thiên nhiên ưu ái ban cho biển xanh, cát trắng hay những hang động kỳ bí. Song “Đất nước Triệu Voi” cũng được thừa hưởng những di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo, giúp cho nước đất nước bạn trở thành địa danh thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm Lào có nguồn tài nguyên phong phú về lâm nghiệp, và nông nghiệp và, khoáng sản. Và sông Mekong trên đất nước Lào là nơi được sách đỏ quốc tế ghi nhận có những loài cá khổng lồ trên 300 Kg, đặc biệt là nơi sinh sống duy nhất của loài cá heo nước ngọt mầu hồng rực rỡ và quý hiếm nhất thế giới.
Đất nước Triệu Voi cũng còn được coi là Quốc đạo bởi vì tuy mật độ dân số rất thưa thớt chỉ có trên 7 triệu người, nhưng lại có tới 1400 ngôi chùa Phật giáo. Ngay giữa lòng thủ đô Viêng Chăn đã có tháp Thatluong trang nghiêm, ở cố đô Luông Pha Băng có chùa Xiengthong, còn nổi tiếng ở nam Lào là Wat Phu tỉnh Pakse. Và rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác…
Có một phong tục rất đặc biệt ở Đất nước Triệu Voi là cứ vào buổi sáng nhân dân Lào ai cũng đón chào, làm lễ cung kính, cúng dường đồ ăn, thức uống lên các nhà sư, từng đoàn các nhà sư khoác áo cà sa màu vàng đi thành hàng dài để khất thực. Cúng dường nhà sư chính là việc làm hướng thiện, giáo dục con cái về lòng tin vào đạo Phật từ những hành động thực tế. Điều tuyệt vời nhất của nước bạn Lào là khác với thành niên Việt Nam 18 tuổi đi đăng ký nghĩa vụ quân sự, ở đất nước Triệu Voi từ hàng ngàn năm trước, tất cả các nam thanh niên cứ đến 18 tuổi và trước khi xây dựng gia đình đều được đưa vào các ngôi Chùa và các thiền viện Phật Giáo để tu hành, tu học đạo đức, học tập giáo lý kinh điển nhà Phật và cách sống có đạo đức và luân thường đạo lý của con người.
Chính nhờ những việc tu học đạo đức và những việc làm hướng thiện, con người nơi đây thường sống chan hòa với tâm niệm từ bi hỷ xả theo lời dạy của đức Phật. Trẻ em Lào rất ngoan ngoãn lễ phép. Và người Lào khi gặp nhau, người dưới chắp tay chào người trên, trẻ em chắp tay chào người lớn, không bao giờ họ lớn tiếng cãi nhau. Người Lào rất thật thà, chất phác. Ngay cả trong buôn bán, hàng hóa bày ra, người mua chỉ việc chọn hàng rồi để lại một số tiền tương ứng, kể cả khi chủ cửa hàng không có mặt tại quầy. Người Lào rất ít khi gây gỗ với nhau, ngay cả trong chợ cũng vậy, họ rất trọng danh dự của mình và của người khác. Không nên trêu chọc người thân, bạn gái hay vợ của người Lào, tránh những hành vi khiếm nhã. Và trong hành trình chuyến công tác, tôi rất nhớ những em bé người Lào chạy đến chào chúng tôi với nét mặt hồn nhiên rất đáng yêu mặc dù các em còn chưa biết mình là ai và từ đâu tới.
Ẩm thực Lào rất đa dạng và phong phú từ Cơm lam cho đến xôi ngũ sắc hay tiệc buffet chay. Đã đến Lào ai cũng nên ít nhất 1 lần thưởng thức Cơm lam. Đây là loại cơm đặc trưng của người Lào và một số dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, và Tây Nguyên nước ta nhưng cũng chính là loại cơm bình dân của người dân nước bạn Lào. Cơm lam được nấu từ gạo, là thực phẩm rất được người Lào trân trọng, đặc biệt là gạo nếp. Cũng giống cách nấu nướng cơm lam của các dân tộc bên đất nước Việt, người dân Lào lấy gạo bỏ vào ống nứa một đầu hở, sau đó dùng lá chuối bịt kín lại rồi đốt. Ống nứa dùng nấu cơm lam phải còn tươi, không quá non cũng không quá già để khi cơm chín, hạt cơm quyện thêm chút vị ngọt và mùi vị đặc trưng của tre. Cơm lam ngon nhất là khi ăn cùng với muối vừng. Cơm lam rất được người Lào ưa thích.
Lào là một điểm đến tuyệt vời cho những ai quan tâm đến hàng thủ công mỹ nghệ và đồ cổ. Thành phố Viêng Chăn chính là nơi nổi tiếng với các sản phẩm dệt may, đồ trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ như: khăn, quần áo thổ cẩm; đồ trang sức bằng đồng hoặc bạc. Trước đây khi chưa cấm rừng thì bạn còn có thể mua vuốt hổ, răng nanh chó sói hay những chiếc lược trắng được làm 100% bằng ngà voi… nhưng hiện nay để bảo vệ môi trường sống, các hoạt động kinh doanh mặt hàng này đã bị cấm.
Một hành trình huyền ảo sắc mầu đã khép lại. Dấu ấn nước bạn Lào xinh đẹp với những con người chân thành, thân thiện, với những tiềm năng về kinh tế, du lịch, về văn hóa, tâm linh… cứ mãi theo dấu chân chúng tôi. Chúng tôi lặng lẽ hát bài Cô gái Sầm Nưa, lặng lẽ nghĩ về một chương trình hợp tác với nước bạn Lào anh em. Một tương lai tươi sáng của sự hợp tác và tình đoàn kết là điều chắc chắn vì nước Lào, nước Việt đã luôn ở bên nhau từ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cùng đồng hành phát triển đất nước như hiện nay. Nước Lào hiện nay tuy còn nghèo nhưng tiềm năng là rất lớn. Nước Lào thân thiện, tình nghĩa, thủy chung. Nước Lào đang tăng tốc để phát triển các ngành trồng trọt nông sản lâm sản, chế biến cao su, café, rồi khai thác khoáng sản… trong thời đại CNH, HĐH, thời kỳ mở cửa hội nhập Châu Á – Thái Bình Dương và khu vực. Một viễn cảnh tươi sáng với nước Lào xinh đẹp đang đến gần hơn bao giờ hết.
Nguồn: (http://nicotex.vn/nuoc-ban-lao-tu-goc-nhin-cua-nguoi-nicotex/)