Nước Lào còn hay được nhắc đến với tên “đất nước Triệu Voi” hay là xứ sở Chămpa, người anh em của Việt Nam. Nhân dân Lào có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp được hình thành trong lịch sử phát triển của dân tộc; một nền văn hóa có tính đặc sắc, độc đáo của riêng mình. Văn hóa, con người Lào và Việt Nam có khá nhiều nét tương đồng.
Nước Lào có diện tích khoảng 236,8 nghìn km2; phía bắc giáp Trung Quốc, tây bắc giáp Myanma, tây giáp Thái Lan, nam giáp Campuchia và đông giáp Việt Nam. Lào có 17 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Dân số của Lào hiện nay có khoảng 7 triệu người, trong đó, có khoảng 2-5% là người Việt, Người Hoa, người Thái cùng chung sống. Lào là một quốc gia giàu tài nguyên, rừng núi chiếm 3/4 diện tích. Khí hậu được chia làm hai mùa rõ rệt; từ tháng 5 đến tháng 10 là mùa mưa, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là mùa khô; có dòng sông Mê-kông chảy từ bắc xuống nam dài hơn 1.800 km.
That Luang được xây dựng năm 1566 trên nền phế tích của một ngôi đền Khmer thế kỷ XIII. Sau đó, tháp Thạt Luổng bị tàn phá và đổ nát sau cuộc xâm lược của người Thái ở thế kỷ XIX. Năm 1930, tháp được khôi phục lại theo kiến trúc nguyên bản với độ cao 45m. Tháp That Luang được coi là rất linh thiêng nên có nhiều người đến đây cầu khấn các nguyện vọng.
Người Lào thật thà, chất phác, hiền hòa, dễ mến, trọng danh dự. Tính cách ấy biểu hiện rõ trên ánh mắt, nụ cười, cử chỉ và dáng điệu của mỗi con người. Người Lào gặp nhau, người dưới chắp tay chào người trên; trẻ em chắp tay chào người lớn, họ không lớn tiếng cãi nhau. Đặc biệt họ rất quý trọng tình bạn, quý trọng chữ tín. Đây cũng là nét văn hóa, phong tục đặc sắc của người Lào.
Chămpa (hoa đại) là một loài hoa biểu tượng của đất nước và con người Lào. Đối với người dân Lào, hoa Chămpa đại diện cho sự chân thành và niềm vui trong cuộc sống. Loài hoa này thường được sử dụng để trang trí các nghi lễ. Hoa Chămpa được trồng phổ biến trên toàn lãnh thổ Lào, đặc biệt là gần khu vực các đền, chùa.
Lào nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Hoa, người dân Lào đã hấp thụ những phong tục và tín ngưỡng của hai nền văn minh ấy để hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc, độc đáo của riêng mình. Nền văn hóa Lào cũng chịu ảnh hưởng đáng kể của Phật giáo. Sự ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ, nghệ thuật, văn học, âm nhạc… Tuy có những nét chung của văn hóa Đông Nam Á nhưng văn hóa Lào có rất nhiều nét riêng biệt. Văn hóa Lào gắn với Phật giáo, với dân số khoảng 7 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, đền tháp.
Từ lâu trong mỗi bản mường, nhân dân có khả năng tự túc được các loại chăn, vải. Khi chưa có thuốc nhuộm, người Lào dùng các loại quả rừng, củ rừng. Các cô gái thích mặc vải hoa, vải kẻ có màu đậm, tươi tắn như màu cỏ cây hoa lá tự nhiên trong rừng núi bao la trùng điệp của quê hương mình. Thanh niên Lào thường cắt tóc ngắn, mặc áo cổ tròn tay ngắn, quần đùi, bên ngoài quấn chiếc khăn. Lúc còn nhỏ, phụ nữ Lào để tóc hoặc hớt tóc. Trên mười tuổi thường búi tóc, một số địa phương như ở Luổng-pha-bang có tục búi tóc lệch hoặc thẳng để phân biệt giữa các cô gái có chồng và chưa có chồng.
Nhân dân các dân tộc Lào rất thích ca múa, đặc biệt là các làn điệu dân ca truyền thống. Văn hóa nghệ thuật độc đáo của Lào còn thể hiện trong các điệu múa phổ biến rộng rãi từ thành thị đến nông thôn. Các điệu múa của Lào thường uyển chuyển, nhịp nhàng theo nhịp trống, động tác khá tự do, mang đậm màu sắc dân tộc. Múa Lăm Vông là thể loại phổ biến nhất của âm nhạc Lào. Đó là điệu múa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nó không chỉ là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, mà còn giáo dục thẩm mỹ cho người dân.
Múa Lăm Vông có đội hình vòng tròn, chuyển động theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Từng đôi nhảy xoay tròn, những bước chân nhịp nhàng, những khuôn mặt hào hứng, say mê… làm nên một không khí cởi mở, vui tươi.
Lào là đất nước của bốn mùa lễ hội. Lễ hội ở Lào hay còn được gọi là Bun, nghĩa là phước, làm Bun nghĩa là làm phước để được phước. Lễ hội cũng chia làm hai phần, phần lễ là phần nghi thức để giao cảm với thần linh và phần hội là vui chơi. Lào có tết cổ truyền Bunpimay (mừng năm mới) hay còn gọi là Tết té nước, diễn ra vào tháng Tư hằng năm. Người Lào gọi tết là vui tết chứ không gọi là ăn tết. Trong những ngày lễ hội, vui chơi là chủ yếu nhưng họ cũng chuẩn bị đồ ăn, thức uống đầy đủ hơn ngày thường.
Người dân té nước để cầu may, cầu bình yên cho cả năm, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong những ngày này, mọi người thăm viếng chúc tụng lẫn nhau, ăn uống vui chơi, múa hát cầu mong nhà nhà hạnh phúc, người người ấm no… Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc cho cuộc sống.
Về ẩm thực, người Lào ăn gạo là chính, các món ăn có đặc điểm là dùng những gia vị như gừng, me, lá chanh và nhiều loại ớt khô rất cay. Vị chính trong các món ăn hầu hết đều có nhiều ớt. Chỉ riêng ớt có hàng chục món: từ ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế, ớt hầm, ớt luộc… Món ăn của người Lào là sự pha trộn giữa cay và ngọt.
Người Lào đặc biệt thích ăn gạo nếp. Sau khi nấu chín, người ăn sẽ nắm cơm thành từng viên nhỏ, sau đó ăn bốc bằng tay và chấm vào nước chấm riêng. Cách ăn mộc mạc này theo người dân Lào như thế mới cảm nhận được hết hương thơm và vị ngọt tự nhiên của từng hạt gạo. Gạo nếp cũng được coi là một đặc sản Lào.
Qua thời gian năm tháng, văn hóa Lào được kết tinh ở những phong tục văn hóa đẹp đẽ như: Tết té nước để cầu mong bình an, hạnh phúc; điệu Lăm Vông mềm mại uyển chuyển làm say đắm lòng người…
Việt Nam và Lào là hai quốc gia trên bán đảo Đông Dương, hai nước láng giềng anh em, cùng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời. Với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, nhân dân hai nước Việt Nam – Lào đã kề vai sát cánh, cùng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước và phát triển của mỗi quốc gia. Tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt của nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam sẽ ngày càng tình nghĩa thủy chung như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long”.
Nguồn: Q.Thái-dbnd.quangngai.gov.vn