Những năm qua, du lịch Lào tăng trưởng ngoạn mục, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Việc Chính phủ Lào quan tâm phát triển du lịch bền vững, không chỉ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đất nước, mà còn mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài, trong đó có Việt Nam.
“Đất nước Triệu Voi” tươi đẹp, thanh bình, với nhiều danh lam thắng cảnh và các lễ hội đậm bản sắc dân tộc đang trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và ngoài nước. Thời gian qua, Chính phủ Lào ưu tiên thúc đẩy du lịch phát triển, đưa “ngành công nghiệp không khói” có bước phát triển bứt phá. Năm 2000, chỉ hơn 737 nghìn lượt du khách đến Lào, mang lại doanh thu 113,9 triệu USD, nhưng đến năm 2015, con số này đã đạt gần 4,7 triệu lượt người với doanh thu 725,4 triệu USD. Đáng chú ý, hiện thị trường khách đến từ các quốc gia láng giềng ASEAN chiếm tới 77% tổng số khách quốc tế thăm Lào, tăng 11% so với năm 2014. Du lịch dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển du lịch, Lào phát động Năm Du lịch Lào 2018, hy vọng thu hút được 5 triệu lượt du khách trong nước và ngoài nước, mang lại doanh thu khoảng 900 triệu USD. Tiến tới năm 2020, sẽ thu hút hơn 6,2 triệu lượt du khách, đem lại doanh thu gần một tỷ USD. Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Bô-xeng-khăm Vông-đa-ra nhấn mạnh, với chủ đề “Du lịch Lào, tìm hiểu lịch sử, khám phá thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa”, Năm Du lịch Lào 2018 là một hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy du lịch và bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng và các phong tục tập quán tốt đẹp của người dân Lào. Đây cũng là dịp để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trong Năm Du lịch Lào 2018, Lào triển khai hàng loạt hoạt động, gồm:
- Phát triển du lịch thiên nhiên, văn hóa và lịch sử.
- Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò và tầm quan trọng của du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đất nước; tranh thủ thời cơ và xu hướng du lịch của thế giới, khu vực, tiểu vùng vào sự phát triển thúc đẩy du lịch Lào;
- Thông qua du lịch để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị giữa các quốc gia, giao lưu văn hóa cũng như sự hợp tác, kết nối du lịch giữa Lào với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Các hoạt động này được diễn ra cả ở trong nước và nước ngoài, trong đó có những điểm nhấn như lễ hội truyền thống và liên hoan, các lễ hội đặc trưng của các tỉnh và nguồn du lịch lịch sử, sinh thái và văn hóa nổi bật của địa phương hấp dẫn du khách. Bên cạnh việc tổ chức ở thủ đô Viêng Chăn, những hoạt động chào mừng Năm Du lịch Lào 2018 cũng được tổ chức đồng loạt tại Đại sứ quán Lào đặt tại các nước châu Âu, châu Á và nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam và Lào núi sông liền một dải, nhân dân hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, có nhiều nét lịch sử, văn hóa vừa độc đáo, song cũng khá tương đồng. Đây là những nền tảng cơ bản để hai nước phát triển du lịch. Hai bên đã ký và thông qua nhiều văn bản hợp tác trong lĩnh vực du lịch, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và bền vững hơn. Năm 2016, trao đổi khách du lịch giữa hai nước đạt hơn 1,13 triệu lượt, trong đó có hơn 137 nghìn lượt khách du lịch Lào đến Việt Nam và khoảng một triệu lượt khách du lịch Việt Nam đến Lào. Lào nằm trong “tốp” 15 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam và là thị trường gửi khách lớn thứ hai của Lào. Sáu tháng đầu năm 2017, Việt Nam đón hơn 68 nghìn lượt khách Lào, tăng 22% so cùng kỳ năm ngoái. Hợp tác đón du khách quốc tế giữa hai nước cũng có nhiều triển vọng.
Những năm gần đây, một số lượng lớn khách du lịch từ nước thứ ba, nhất là các nước châu Âu, Mỹ, Ô-xtrây-li-a và Nhật Bản đi du lịch cả Lào và Việt Nam theo hành trình kết nối các trung tâm, di sản như Viêng Chăn, Luông Pha-băng, Chùa Vạt Phu của Lào với Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An… của Việt Nam. Tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Lào nói riêng, giữa hai nước và khu vực tiểu vùng Mê Công và khu vực Đông – Nam Á nói chung rất dồi dào, hứa hẹn đem lại nhiều “trái ngọt” trong hợp tác du lịch giữa hai nước láng giềng thân thiết.
Nguồn: Thạch Anh-Báo Nhân dân