Liên quan đến vụ việc những chú chó cảnh bị chủ nhân bạo hành, đánh đập không thương tiếc tại Đà Lạt, nhiều du khách bức xúc, lên tiếng đòi tẩy chay dịch vụ “chụp hình với chó lấy tiền”.
Chó đội mưa nắng làm cảnh, bị ngược đãi giữa đường
Nhìn thấy chú chó cảnh Alaska ngoan ngoãn ngồi ở Quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt), Nguyễn Ngọc Linh – 25 tuổi, du khách đến từ Đồng Tháp – cùng bạn thân đến gần vuốt ve, chụp ảnh kỷ niệm.
Chưa kịp cất điện thoại, Ngọc Linh ngỡ ngàng khi có một thanh niên đến xin phí 20.000 đồng. Nữ du khách càng bất ngờ hơn khi được chủ nhân của chú chó giải thích đây là “dịch vụ chụp ảnh với chó có thu phí”.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Ngọc Linh cho biết cô gặp trường hợp này vào năm 2019 – đó cũng là lần đầu tiên cô đến Đà Lạt. Lúc đó, Ngọc Linh chưa nắm được những thông tin về mô hình kinh doanh chụp ảnh với thú cưng nên khá bất ngờ.
Trong tháng 7 vừa qua, Ngọc Linh có dịp trở lại Đà Lạt và cô bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến khoảnh khắc những chú chó Alaska bị chủ nhân ngược đãi ngay chốn đông người.
Ngọc Linh kể: “Tối hôm đó, Đà Lạt có mưa lất phất, tôi và cô bạn ngồi ở quảng trường vừa ngắm cảnh vừa ăn vặt. Từ xa, tôi ngỡ ngàng khi thấy đàn chó Alaska vẫn bị bắt ngồi dưới mưa, không được che ô hoặc dắt về nhà. Nhiều con chó để lộ vẻ mệt mỏi, nằm gục xuống thảm.
Đáng nói, khi được du khách xung quanh nhắc nhở che mưa cho đàn chó, người chủ nhân của chúng tỏ thái độ phớt lờ, khó chịu, thỉnh thoảng còn lấy dép gõ mạnh vào đầu con chó khi thấy chúng nằm gục lâu”.
Gia đình của chị H.T. – du khách đến từ Hà Nội – cho biết rất bức xúc khi đọc được những thông tin về vụ bạo hành thú cưng ở Đà Lạt. Chị tiết lộ gia đình mình từng trở thành “khách hàng bất đắc dĩ” của dịch vụ này.
“Mấy con chó ở đây rất đẹp, hiền lành. Con trai tôi vốn yêu động vật nên muốn chụp hình chung. Khi tôi cho bé chụp ảnh xong, họ không thu phí mà chỉ nói tùy tâm. Thông thường, du khách sẽ đưa 20-100.000 đồng rồi mới rời đi.
Gia đình tôi ghé chụp ảnh vào ban ngày, trời nắng nhưng mấy con chó vẫn bị bắt ngồi ngoài trời làm cảnh. Đàn chó tuy mệt mỏi, mắt lim dim nhưng vẫn cố gượng ngồi im, tỏ ra sợ sệt. Sau vụ này, nếu gia đình có dịp quay lại Đà Lạt chắc chắn chúng tôi sẽ không chụp ảnh cùng động vật nữa. Với tôi, đây là hành động tàn nhẫn, phải lên án triệt để”, chị H.T. chia sẻ.
Người dân Đà Lạt bức xúc
Không chỉ gây bức xúc với nhiều du khách, người dân bản địa cho biết chuyện đàn chó cảnh ở Đà Lạt bị bạo hành, đánh đập diễn ra hằng ngày.
Anh L.T.N. (35 tuổi, người dân sống tại trung tâm TP Đà Lạt) đã có 3 lần chứng kiến cảnh đàn chó ở quảng trường bị chủ nhân đánh đập, rượt đuổi. Theo anh, dù đã nhiều lần bị người dân lên án, tẩy chay nhưng sự việc vẫn tiếp tục tái diễn sau đó.
Anh L.T.N. kể: “Theo tôi biết ở Đà Lạt có khoảng 4-5 nhóm người dùng chó để làm công cụ kiếm tiền. Khi bị công kích, nhóm người đó lên tiếng giải thích, tuy nhiên, với một người sống lâu năm ở Đà Lạt như tôi thì hoàn toàn không tin lời họ.
Đàn chó thường bị bắt ngồi im một tư thế từ sáng đến tối, không được ngủ hay cựa quậy. Nếu chó không hợp tác, chủ sẽ hăm he, quát mắng. Những lúc vắng người, họ sẵn sàng dùng cây đánh vào đầu, bụng các con chó một cách mạnh bạo. Đàn chó nhiều lần sợ sệt nên tháo chạy nhưng chủ kéo dây xích lại, mất khả năng kháng cự”.
Theo anh N., khoảng 8h mỗi ngày, đàn chó được chở ra “kiếm tiền” và đêm muộn mới được cho về nhà.
Vị trí hoạt động của nhóm người này thường linh động, ban ngày họ dẫn chó đến các điểm check-in nổi tiếng, còn ban đêm thì mang chó đến Quảng trường Lâm Viên, bờ hồ Xuân Hương, chợ đêm Đà Lạt… Vài năm trước, số lượng chỉ có vài con nhưng gần đây lên đến gần 20 con, đa phần là giống Alaska và Samoyed.
“Khi chụp ảnh với khách hàng, nếu đàn chó không hợp tác thì chủ nhân chỉ cần đưa tay ra chúng sẽ sợ co rúm, không dám cử động”, anh nói thêm.
Trong quá trình tìm hiểu thêm về sự việc, phóng viên Dân trí biết đến chị Thụy Anh – Trạm trưởng của một trạm cứu hộ chó mèo ở Đà Lạt. Theo chị Thụy Anh, chị thường xuyên nhận được video, hình ảnh phản ánh của người dân, khách du lịch về việc chó bị bạo hành, đánh đập ở Đà Lạt.
Các thành viên trong trạm nhiều lần đăng bài kêu gọi tẩy chay “dịch vụ chụp hình với chó” trong các hội nhóm, cũng như liên hệ với các tổ chức yêu động vật ở nước ngoài để lên án hành động bạc đãi thú cưng tại đây.
Chị Thụy Anh cho hay: “Số lượng clip, hình ảnh đàn chó bị đánh đập, bạo hành gửi về trạm nhiều vô kể. Gần đây, số lượng phản ánh từ du khách đã tăng gấp 3-4 lần.
Qua những đoạn clip, có thể thấy nhóm người này đánh chó rất tàn bạo, thẳng tay đánh vào những chỗ hiểm, gây đau đớn. Trong một số clip, họ vừa đánh chó vừa văng tục nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Đà Lạt trong mắt khách du lịch”.
Vì có “cầu” nên mới có “cung”?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một thành viên của tổ chức Take Action Vietnam (Tổ chức chuyên bảo vệ thú cưng) cho biết ngay khi sự việc chó bị bạo hành được rộ lên, thành viên của tổ chức đã lên Đà Lạt để tìm hiểu thêm.
Thành viên của Take Action Vietnam nói: “Khoảng 19-20h tối 20/8, chúng tôi di chuyển xung quanh Quảng trường Lâm Viên thì không còn thấy những chú chó này xuất hiện nữa. Khi đi qua khu vực chợ đêm, chúng tôi thấy có 2 con chó đang bị bắt ngồi làm cảnh trong trạng thái mệt mỏi. Tuy nhiên, một lát sau khi trở lại quảng trường thì chúng tôi thấy đàn chó lại tiếp tục bị dắt ra làm cảnh”.
Hiện tại, những tranh cãi xoay quanh việc bạo hành chó cảnh ở Đà Lạt vẫn diễn ra mạnh mẽ trên các diễn đàn. Không chỉ đồng loạt kêu gọi “tẩy chay dịch vụ chụp ảnh với chó”, nhiều du khách còn tuyên bố sẽ không đến Đà Lạt nếu tình trạng này còn tiếp diễn.
Thảo Trang, du khách từ TPHCM, đưa quan điểm: “Nói một cách khách quan, có “cầu” thì sẽ có “cung”, nếu vẫn còn người có nhu cầu chụp ảnh cùng chó thì vẫn còn người mang chó ra kiếm tiền.
Họ lợi dụng lòng yêu thương động vật của du khách để trục lợi cá nhân. Tuy nhiên, sự việc hiện tại đã đến mức báo động khi xuất hiện tình trạng đánh đập, hành hạ động vật. Theo tôi, cần lên án mạnh mẽ, chấm dứt dịch vụ này tại Đà Lạt”.
Kim Tuyến, du khách từ TPHCM, chia sẻ: “Vì thương các bé cún nên tôi từng chụp ảnh, ủng hộ dịch vụ này. Hôm nay, khi xem những hình ảnh các bé bị bạo hành, tôi thật sự hối hận, phẫn nộ. Chắc chắn, trong tương lai tôi sẽ không bao giờ sử dụng lại dịch vụ này dù ở bất cứ đâu”.
Tài khoản Trang Nguyễn cho biết bản thân bị ám ảnh khi xem được đoạn clip đàn chó bị chủ dùng cây sắt đánh đập, bạo hành. Cô tuyên bố sẽ không bao giờ bước chân đến Đà Lạt nữa vì cảm thấy rất tổn thương khi xem được những khoảnh khắc trên.