Tại các vùng nông thôn ở Lào, ý thức về môi trường đang từng bước vững chắc được xây dựng bởi các Chư tôn đức Tăng già Phật giáo thông qua việc giảng dạy cho người dân về đạo đức, thiền định để tiên phong trong phong trào vận động người dân phát triển kinh tế cộng đồng, và sống hài hòa với thiên nhiên: “Đừng tự phá hủy tự nhiên dưới danh nghĩa phát triển”.
Tinh thần phật tử tình nguyện vì cộng đồng
Tại làng Ban Beungsanthueng, tại huyện Nongbok thuộc tỉnh Khammouane, cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 400km về phía nam, Chư tôn đức Tăng già đã giáo hóa cho dân làng về “Giới Hạnh Phật giáo”, cách để sống với đầy đủ niềm tự tin, đức tự chủ (Chánh tín, Chánh kiến), và việc bảo vệ môi trường. Chư tôn đức Tăng già diễn giải cho dân làng hiểu mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như tầm nhìn quan trọng của nó đối với sinh kế và sự hạnh phúc của họ.
Thượng tọa Phra Phithak Somphong, ở một ngôi chùa địa phương chia sẻ rằng: “Người dân quy tụ về đây để tu tập thiền định, ôn lại Ngũ giới đã thọ và giáo lý Bát Chính đạo, là quá trình chuẩn bị tâm lý cho họ trước khi phát động bất cứ hoạt động gì… để thức tỉnh họ, giúp họ nhận ra sự tác động của những hành động thực tiễn của họ đối với môi trường cũng như những ảnh hưởng của nó đối với đời sống hằng ngày, sự an lạc hạnh phúc của họ”.
Thượng tọa Phra Phithak, một trong những vị Tăng sĩ được đào tạo bởi “Dự án Phật giáo vì sự phát triển” (BDP) của Tổ chức Hữu nghị Phật giáo Lào (LBFO), nhằm mục đích khuyến khích công tác phát triển cư dân nông thôn. Thượng tọa Phra Phithak đã bắt đầu công việc sau hoàn thành khóa đào tạo năm 2013 tại Viêng Chăn, và Thượng tọa đã mời người dân làng đến để học giáo lý Phật Đà, và tu tập thiền định cũng như “Bố tát” mỗi nửa tháng (theo giới luật nhà Phật, trước khi tụng giới phải qua việc tự kiểm thảo mình trong nửa tháng qua có vi phạm giới không. Vị Chủ tọa lễ Bố tát hỏi Tăng chúng: “Trong nửa tháng qua, ai có phạm giới phải đứng ra tự bạch và sám hối với chúng?”. Hỏi như vậy ba lần, nếu cả chúng im lặng thì tuyên bố: “Tất cả giữ giới trong sạch”, rồi mới bắt đầu tụng giới). Thượng tọa cố gắng đậm nét đạo đức Phật giáo ngấm vào tim não của mỗi người dân, trong đó có trẻ em và thanh thiếu niên.
Trong khi đó, Thượng tọa Phra Phithak cũng đã tổ chức một nhóm “Tinh thần phật tử tình nguyện vì cộng đồng”. Hoạt động của nhóm tình nguyện viên gồm làm vệ sinh đường xá thôn xóm, tái chế phân bón hoặc phân bón hữu cơ cho hoạt động nông nghiệp, thí điểm nuôi trồng hữu cơ, tái trồng rừng, bảo vệ rừng và bảo tồn sinh thái.
Phật giáo và phát triển
Qua nhiều thế kỷ, Phật giáo có mối liên quan mật thiết với sự phát triển ở Lào. Vào khoảng thế kỷ thứ VIII, những người Môn đầu tiên di cư xuống vùng Tây Lào đã truyền bá Phật giáo cho những cư dân tại đây. Những người Môn này đã mang theo rất nhiều kinh Phật, tượng Phật và những tu sĩ am hiểu Phật giáo từ Sri Lanka đến truyền bá Phật pháp. Từ đó họ truyền đi các ngả và phát triển rộng khắp đến các vùng phía Tây của Lào.
Đến thế kỷ XIII khi tộc người Lào Thay chinh phục xong toàn bộ phần đất Bắc Lào rộng lớn họ đã tiếp thu đạo Phật theo phái Tiểu thừa và phát triển rộng khắp cả vùng Bắc và Trung Lào. Thời gian này, Phật giáo Lào có quan hệ mật thiết với Phật giáo Srilanka. Trong khi đó, từ phía Nam, Phật giáo Lào cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo Khmer. Dưới thời của đế chế Ăngkor, thống trị từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII, Phật giáo Đại thừa đã được truyền bá vào Lào. Thế kỷ XIV khi vua Fangum Maharaja (1316 – 1373) thống nhất toàn bộ lãnh thổ nước Lào, ông đã tiếp thu Phật giáo Tiểu thừa từ Campuchia và phát triển trên khắp đất nước Lào.
Hiện nay Phật giáo tại Lào tồn tại song song hai hệ phái Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa, trong đó hệ phái Phật giáo Tiểu thừa chiếm đa số. Theo con số thống kê, hiện nay ở Lào có hơn 20.000 tăng ni, khoảng 6.300 cơ sở tự viện Phật giáo. Chư tăng và nữ tu của Phật giáo Lào sinh hoạt trong một tổ chức chung là Hội Liên minh Phật giáo Lào với 04 ủy ban là Ủy ban quản lý đạo Phật và Tăng sĩ, Ủy ban Phổ biến nhân đạo, Ủy ban Giáo dục và Ủy ban Quản lý cơ sở tự viện Phật giáo. Hệ thống từ trung ương đến địa phương theo bốn cấp là: Trung ương, tỉnh (thành phố), huyện và bản.
Từ khi đạo Phật du nhập và phát triển, nhiều cơ sở tự viện Phật giáo tại Lào đã đóng một vai trò thiết yếu như các trung tâm giáo dục (các trường học, chùa) và những vị Tăng sĩ Phật giáo đã tiếp tục đóng vai trò giáo dục trong xã hội cho đến tận ngày nay.
Ngoài ra, Chư tôn đức Tăng già Phật giáo Lào đã có nhiều cống hiến quý báu cho quá trình bảo vệ Tổ quốc, tuyên bố độc lập chủ quyền của Lào từ thực dân Pháp xâm lược cũng như thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Chư tôn đức Tăng già Phật giáo Lào đã cổ vũ tinh thần và thúc đẩy người dân tham gia đấu tranh cho độc lập tự do của Lào.
Sau khi thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 02/12/1975, sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương, vai trò của Chư tôn đức Tăng già Phật giáo Lào đối với sự phát triển có dấu hiệu hạn chế. Tuy nhiên, các giá trị Phật giáo vẫn còn duy trì, gắn bó trong phong cách sống, truyền thống và văn hóa Lào. Chư tôn đức Tăng già Phật giáo Lào vẫn tiếp tục giữ vai trò trong sự nghiệp giáo dục của mình với phương châm “Duy tuệ thị nghiệp”.
Vai trò cộng đồng này có tác động tâm lý đối với suy nghĩ của người dân cũng như khuyến khích họ theo đuổi, học hỏi giáo lý Phật đà và thực tiễn trong cuộc sống hằng ngày qua các thực nghiệm yêu thương, bác ái, chánh niệm – những giá trị đã thúc đẩy sự hòa hợp và hòa bình cho xã hội.
Tiếp tục nghĩ về vai trò của Tăng sĩ Phật giáo
Tuy nhiên, nếu chỉ có vai trò của Chư tôn đức Tăng già thì không thể đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng và hoàn cảnh xã hội đã tác động đến tâm trí của người dân cũng như sự hạnh phúc của họ. Do đó, Chư tôn đức Tăng già Phật giáo Lào phải tự nghĩ lại về trách nhiệm của mình. Quý ngài nhận ra rằng, trách nhiệm của quý ngài là phải can dự vào quá trình phát triển để giúp người dân Lào vượt qua những khốn khó, những nỗi khổ niềm đau của họ. Theo quan điểm của vị tăng sĩ Phật giáo, những vấn đề xã hội tác động vào sự hạnh phúc hay khổ đau của người dân đều có thể xem là “Khổ”.
Sự xuống cấp của môi trường là một lý do của sự “Khổ” này, và Chư tôn đức Tăng già, những người dân làng đã đồng ý rằng họ phải viện đến rừng thiêng – chốn cư ngụ linh thiêng của lịch đại tổ tiên mà người dân làng gọi là “Don Hor” – như một nơi để bảo vệ và bảo tồn.
Do thực tế có niềm tin của người dân làng vào đạo Phật cùng với lịch đại tiên linh tổ tiên của họ, Chư tôn đức Tăng già và những người dân bắt đầu hoạt động bằng cách đàm phán các nhu cầu và mục đích của họ với lịch đại tiên linh tổ tiên hay “Pu Ta Yaphaw” thông qua những người đồng cốt “jum ban” hay “nang thiem”. Những người này đóng một vai trò tâm linh quan trọng trong làng khi kết nối với “Pu Ta Yaphaw”.
Một “jum ban” của làng giải thích: “Chư tôn đức Tăng già và người dân đến gặp và đề nghị tôi kết nối với “Pu Ta Yaphaw” để hỏi ý kiến Ngài về việc họ sử dụng khu vực này “Don Hor” – cho các hoạt động tái trồng rừng cũng như biến nó trở thành một nơi được bảo tồn, bảo vệ. “Pu Ta” đã cho phép họ trồng cây ở bất cứ nơi nào họ muốn. Trong ngày phân định ranh giới, Pu Ta thông qua và chiếm hữu cơ thể tôi rồi chỉ cho Chư tôn đức Tăng già, dân làng nơi nào làm chỗ định giới”.
Nghi thức thụ phong
Đây là cách kết hợp giữa môi trường truyền thống và môi trường hiện đại kết hợp với nhau. Rất nhanh sau khi có được sự đồng thuận từ Pu Ta, họ bắt đầu phân định ranh giới và tổ chức một buổi lễ thụ phong để xác nhận khu vực đất trồng rừng theo nghi thức Phật giáo để bảo vệ rừng trong khu vực này.
Thượng tọa Phra Phithak nói: “Lý do tại sao chúng tôi phải bảo vệ khu đất và rừng chính là lòng tham của con người. Họ không quan tâm đến tài sản công cộng hay cá nhân; họ sẵn sàng chiếm dụng nếu họ thấy có lợi. Sáng kiến này sẽ giúp bảo vệ những phân vùng, cây cối và động vật được bảo vệ trong khu vực khỏi bị xâm lấn, chặt phá và săn bắn”.
Thượng tọa Phra Phithak nói thêm rằng: “Tự nhiên được nối kết với sự hạnh phúc của người dân. Nếu chúng ta nhận thức được điều này thì nó sẽ trở thành nguồn thực phẩm mà chúng ta có thể thu thập quanh năm, tạo ra oxy và làm sạch không khí”.
Điều này theo thế giới quan Phật giáo tức là mọi chúng sinh trên hành tinh đều có mối liên hệ với nhau: con người là một phần của tự nhiên, sống nhờ tự nhiên và tồn tại được bởi tự nhiên.
Xem thêm bài viết: Hành hương về miền đất phật Lào.