Mối lo ngại về tác động của ô nhiễm môi trường nặng đang tăng lên ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là ảnh hưởng đến lá phổi con người.
Chuyện bắt đầu những năm 90’ ở thành phố Hà Nội
Lần đầu tiên tôi từ miền nam ra Hà Nội đúng hai mươi năm trước. Đó là chuyến khảo sát chất lượng không khí phục vụ nghiên cứu khả thi một dự án hạ tầng do Nhật Bản tài trợ. Chúng tôi đặt thiết bị lấy mẫu ngay góc đường Trần Quang Khải, gần cầu Chương Dương.
Chuyện vãn vỉa hè bên cốc trà nóng trong lúc chờ thu mẫu diễn ra thế này: “Các chú không cần kiểm tra làm gì. Không khí vẫn còn sạch đấy”, bác xe ôm nói. “Sao bác biết ạ?”, tôi hỏi. “Ôi dào, tớ đứng đây, dầm mưa dãi nắng mấy chục năm mà vẫn khoẻ phăm phăm này”. “Thế bác hoàn toàn không đau ốm gì sao?”. “Có chứ, nhưng ốm vặt ấy mà. Cho vài viên thuốc vào mồm là khỏi ngay. Trộm vía, ốm lâu thì có mà đói rã họng cả nhà ấy à?”
Nhận định của bác xe ôm y như một chuyên gia. Kết quả phân tích chất lượng không khí của Hà Nội thời điểm đó đều đạt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chúng tôi dùng nó làm cơ sở đánh giá khả năng gia tăng ô nhiễm không khí khi thực hiện dự án, từ đó đề xuất các giải pháp kiểm soát nhằm duy trì chất lượng môi trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, dự án này sau đó không tiếp tục vì nhiều lý do. Nhưng câu nói ngày nào của bác xe ôm ẩn chứa hàm ý sâu xa về mối liên hệ không thể tách rời: môi trường – sức khỏe – sinh kế.
Chất lượng không khí toàn cầu 2018 ở HCM & HN
Giờ đây, Hà Nội cùng TP HCM đã “vươn lên” thuộc nhóm 15 thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Trong đó, Hà Nội đứng thứ 12 tại danh mục 62 thủ đô được xếp hạng, theo Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018 về ô nhiễm bụi của AirVisual và GreenPeace. Chất lượng không khí tại hai thành phố lớn nhất nước đang xấu đi nghiêm trọng.
Tôi đã rùng mình khi đọc số liệu của WHO, hơn 60.000 người tử vong năm 2016 bởi bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam có liên quan tới ô nhiễm không khí. Tức trung bình mỗi ngày, 165 người phải lìa trần do không khí bẩn. “Hơn 99% chúng ta đều khỏe mạnh khi sinh ra và chỉ trở nên bệnh tật vì hậu quả của hành động cá nhân không đúng đắn cùng các điều kiện môi trường”, tiến sĩ John Knowles, nguyên Chủ tịch Quỹ Rockefeller nói.
Các cụ nhà ta có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đây cũng là nguyên tắc quản lý môi trường cực kỳ quan trọng, là cách tiếp cận phải được ưu tiên bởi ngăn ngừa ô nhiễm từ đầu luôn hiệu quả hơn việc chạy theo xử lý khi ô nhiễm đã xảy ra. Trong đó, chìa khóa chính là các quy chuẩn môi trường – công cụ can thiệp trực tiếp, đóng vai trò rào cản kỹ thuật với ô nhiễm. Vì là rào cản, nên quy chuẩn có thể cao hay thấp, nghiêm ngặt hay dễ dãi, tùy thuộc vào quyết định của cơ quan quản lý môi trường quốc gia.
Nhưng, có một thực tế là buồng phổi và hệ miễn dịch của người dân Việt Nam đang phải chống chọi với những kẻ giết người thầm lặng như bụi siêu mịn, bụi mịn, cùng với các chất độc hại trong không khí với nỗ lực lớn gấp nhiều lần đồng loại ở các quốc gia khác, bởi cả “quy chuẩn phát thải” và “quy chuẩn chất lượng môi trường” đều vô cùng dễ dãi.
Quy chuẩn chất lượng môi trường ra sao?
Thứ nhất, quy chuẩn phát thải một loạt ngành công nghiệp của nước ta vẫn không được điều chỉnh suốt 10 năm nay và đang ở một mức độ dễ dãi khó hiểu. Chẳng hạn như, quy định về bụi tổng cho phép trong khí thải nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam cao gấp 20 lần Trung Quốc, 7 lần Ấn Độ, 10 lần EU, 2,5 lần Thái Lan và 2 lần Indonesia.
Nếu tính trên mật độ dân số thì người Việt đang đối diện nguy cơ bị phơi nhiễm do bụi nhiệt điện than gấp 40 lần người Trung Quốc. Không chỉ bụi, nồng độ của một loạt các chất ô nhiễm khác như SO2, NOx, CO cho phép trong khí thải nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam cũng đang cao gấp vài đến vài chục lần so với quy định của các quốc gia trên.
Điều tương tự cũng đang diễn ra với các ngành khác như sản xuất xi măng, phân bón. Riêng ngành thép, dù quy chuẩn ban hành năm 2009 đã sửa một lần năm 2017 và nay đang tiếp tục sửa, nhưng vài chục nhà máy thép đưa vào hoạt động trước năm 2015 vẫn được phép thải bụi cao gấp 4 lần và dioxin/furan cao gấp 6 lần so với hướng dẫn cho phép của nhóm Ngân hàng Thế giới.
Thứ hai, các quy chuẩn chất lượng môi trường theo thông lệ quốc tế phải được xác định dựa trên rủi ro về sức khỏe cộng đồng dưới tác động của các chất độc hại. Tuy vậy, một khi đã “lỡ” cho phép quy chuẩn phát thải không nghiêm ngặt thì hệ lụy là phải chấp nhận đưa ra một quy chuẩn chất lượng dễ dãi – vì môi trường ấy chính là nơi bị tiếp nhận xả thải và tích lũy ô nhiễm.
Môi trường chính là nơi bị tiếp nhận xả thải
Thực chất, đây là sự đánh đổi giữa một bên là chi phí đầu tư vào công nghệ ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm với bên kia là rủi ro sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, quy định về bụi mịn (PM10) và bụi siêu mịn (PM2,5) trung bình năm trong không khí xung quanh của Việt Nam đều cao gấp 2,5 lần của WHO. Tôi không đủ tự tin để nghĩ rằng hệ miễn dịch của người Việt tốt gấp 2,5 lần đồng loại. Sống trong một môi trường ô nhiễm hơn khuyến nghị của quốc tế, liệu rằng “tiền lương” của người Việt có đủ bù tiền thuốc?
“Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành”. Đó là mệnh đề quan trọng trong Hiến pháp. Bài toán kiểm soát ô nhiễm nhiều năm nay vẫn đang được các nhà quản lý áp dụng một lời giải: gia tăng thuế, phí môi trường. Song, không giải quyết gốc rễ các nguyên nhân gây ô nhiễm. Kết quả: nguồn thu tăng nhưng chất lượng môi trường ngày càng đi xuống.
Đến khi nào thì Chính phủ, và trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, sẽ đẩy vấn đề chất lượng không khí lên danh sách ưu tiên giải quyết vì quyền Hiến định của người dân?