Công nghệ Blockchain được bộ khoa học và Công nghệ Lào ứng dụng rộng rãi trong công tác xây dựng chính phủ điện tử đón đầu xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ Lào đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với công ty startup của Việt Nam là Lina Network về việc cung cấp giải pháp “định danh điện tử” trên nền tảng Blockchain để hướng tới mục tiêu chính phủ điện tử. Đây được xem là bước đi kịp thời và nhạy bén của chính phủ Lào nhằm tận dụng tối đa cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Để hoạt động quản lý nhà nước được linh hoạt, hiệu quả, hiện đại và minh bạch, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển chính phủ điện tử đang trở thành xu thế tất yếu hiện nay. Việc kết nối, liên thông, tích hợp các hệ thống thông tin của các cơ quan ban ngành tạo nên một chính phủ gắn kết và hoạt động hiệu quả. Trước Lào, Estonia và Dubai từng ứng dụng công nghệ Blockchain ở cấp độ chính phủ và gặt hái được những thành công nhất định trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
Thẻ ngân hàng, bảo hiểm y tế, chứng minh thư, bằng đại học, hay thậm chí là cả sổ hộ khẩu, tất cả những giấy tờ này trong tương lai sẽ được tích hợp trên cùng một hệ thống. Đây là một trong những tính năng mà việc ứng dụng blockchain sẽ đem lại cho Chính phủ Lào trong việc quản lý dữ liệu công dân. Công nghệ Blockchain sẽ giúp Chính phủ nước Lào cải thiện việc quản lý các hoạt động của gần 7 triệu người dân đang sinh sống trên lãnh thổ đất nước này.
Tại buổi lễ ký kết hợp tác, các diễn giả và nhà quản lý đã cùng nhau thảo luận về xu hướng phát triển công nghệ Blockchain toàn cầu nói chung, và tại Lào nói riêng, cũng như cách mà Blockchain đang thay đổi thế giới từng ngày.
Theo ông Boviengkham Vongdara, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lào: “Nếu biết ứng dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào đời sống, nó sẽ thay đổi thay đổi toàn bộ nền kinh tế của một đất nước trong tương lai, đây là điều khó có thể phủ nhận được. Sau thời gian xem xét nền tảng công nghệ cũng như những giải pháp mà Lina Group cung cấp, chúng tôi nghĩ đã đến lúc xây dựng mô hình mới mang tính đột phá trong việc quản lý dữ liệu nói chung. Đây sẽ là một sự phát triển về khoa học công nghệ đối với quốc gia chúng tôi”.
Nhằm đáp ứng yêu cầu về việc phát triển công nghệ mới, Lào chủ trương xây dựng viện nghiên cứu Blockchain. Theo Bộ trưởng Boviengkham, viện nghiên cứu này sẽ là “nơi tìm kiếm và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất xám nói chung để xây dựng thêm nhiều ứng dụng khác nhau nhằm nâng cao sự phát triển về khoa học công nghệ đối với Lào”.
Ông Vũ Trường Ca, CEO của Lina Group, cho biết định danh điện tử bằng công nghệ Blockchain là một giải pháp hoàn toàn mới, có tính bảo mật cao và an toàn.
“Với Blockchain – công nghệ dữ liệu được số hóa một cách nhanh chóng, có tính bảo mật cao và an toàn, chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin theo phương thức hàng ngang trong chuỗi khối mà không cần bên thứ ba can thiệp vào vấn đề quản lý. Mọi thông tin chia sẻ từ người dùng sau khi được định danh điện tử bằng Blockchain được xem như một hồ sơ công khai trên nền tảng kỹ thuật số”, ông Ca nhận định.
Theo ông Nguyễn Đăng Thiên Triều – Giám đốc phát triển Lina Network, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nhìn nhận một cách nghiêm túc việc xây dựng các chính sách phù hợp cho sự phát triển đầy tiềm năng của Công nghệ Blockchain. Ví dụ như Chính phủ Thụy Điển đã sử dụng công nghệ này để quản lý quyền sử dụng đất; Estonia sử dụng trong quản lý cơ sở dữ liệu của chính phủ; hay Dubai dự kiến áp dụng công nghệ này để vận hành bộ máy Chính phủ vào năm 2020.